Tác giả: Lư Triều VỹvàDS. Nguyễn Công Thành
Cập nhật lần cuối lúc 14:14, 28/08/2022. Phản hồi về nội dung, liên hệ với chúng tôi tại đây
- Ung thư là một bệnh lý trong đó một vài tế bào của cơ thể phát triển không kiểm soát và có thể di căn sang các phần khác của cơ thể.
- Những thay đổi di truyền có thể gây ra ung thư bao gồm: Các lỗi xảy ra khi các tế bào phân chia, DNA bị ảnh hưởng bởi các chất có hại trong môi trường, được di truyền từ bố mẹ.
- Một số sự thay đổi về mô nhưng chưa phải là ung thư: loạn sản, tăng sản, ung thư tại chỗ.
- Có 3 loại gen liên quan đến sự phát triển của ung thư bao gồm: Proto-oncogenes, Tumor suppressor genes, DNA repair genes.
UNG THƯ LÀ GÌ ?
Ung thư là một bệnh lý trong đó một vài tế bào của cơ thể phát triển không kiểm soát và có thể di căn sang các phần khác của cơ thể. Ung thư có thể bắt đầu từ bất kỳ nơi nào trong cơ thể con người và được tạo thành từ hàng nghìn tỷ tế bào. Thông thường, các tế bào của người tăng sinh và nhân lên để hình thành các tế bào mới khi cơ thể cần. Khi các tế bào già đi hoặc bị tổn thương, chúng chết đi và sẽ được thay thế bởi các tế bào mới.
Trong một số trường hợp, quy trình có trật tự này bị phá vỡ dẫn đến các tế bào bất thường hoặc bị tổn thương sẽ tăng sinh và nhân lên. Từ đó, tạo thành các khối u.. khối u có thể là ung thư hoặc không ung thư (lành tính). Các khối u gây ung thư sẽ lan vào, hoặc xâm lấn các mô lân cận và có thể di chuyển đến các phần xa hơn trong cơ thể để tạo thành các khối u mới (quá trình này gọi là di căn). Khối u gây ung thư còn được gọi là khối u ác tính. Nhiều bệnh ung thư tạo thành khối u rắn, trừ ung thư máu như ung thư bạch cầu…
Các khối u lành tính không lan vào, hoặc xâm chiếm các mô lân cận. Khi được loại bỏ, các khối u lành tính không tăng sinh trở lại. Trong khi khối u ác tính, điều này là không chắc chắn. Tuy nhiên, khối u lành tính đôi khi có thể phát triển khá lớn. Một vài trường hợp có thể gây ra các triệu chứng nghiêm trọng hoặc đe dọa tính mạng, chẳng hạn như khối u lành tính trong não.
SỰ KHÁC BIỆT GIỮA TẾ BÀO UNG THƯ VÀ TẾ BÀO THƯỜNG
Các tế bào ung thư khác với các tế bào bình thường ở nhiều điểm. Ví dụ, các tế bào ung thư:
- Phát triển khi không có tín hiệu nào của cơ thể cho thấy cần chúng tăng sinh. Các tế bào bình thường chỉ tăng sinh khi chúng nhận được tín hiệu từ cơ thể.
- Phớt lờ các tín hiệu kêu gọi chết tế bào hoặc ngừng phân chia (được gọi là chết tế bào theo chu trình hay apoptosis).
- Xâm chiếm các khu vực lân cận và di căn sang các khu vực khác của cơ thể. Các tế bào bình thường ngừng tăng sinh khi chúng gặp phải các tế bào khác và hầu hết các tế bào bình thường không di chuyển quanh cơ thể.
- Truyền tín hiệu để các mạch máu phát triển về phía khối u. Những mạch máu này cung cấp oxy và chất dinh dưỡng cũng như loại bỏ các sản phẩm chất thải khỏi các khối u.
- Ẩn mình trước hệ thống miễn dịch. Hệ thống miễn dịch thường loại bỏ các tế bào tổn thương hoặc bất thường.
- Đánh lừa hệ thống miễn dịch để giúp các tế bào ung thư sống sót và tăng sinh. Ví dụ, một số tế bào ung thư thuyết phục các tế bào miễn dịch bảo vệ khối u thay vì tấn công nó.
- Tích lũy nhiều thay đổi trong nhiễm sắc thể của chúng, chẳng hạn như sao chép và bỏ bớt các phần nhiễm sắc thể. Một số tế bào ung thư có số lượng nhiễm sắc thể gấp đôi bình thường.
- Tế bào ung thư có nhiều kiểu dinh dưỡng khác biệt và dùng nó để tạo nhiều năng lượng hơn so với tế bào bình thường. Điều này cho phép các tế bào ung thư phát triển nhanh hơn.
Từ những điểm khác biệt trên của tế bào ung thư đã giúp chúng sống sót và phát triển. Các nhà nghiên cứu đã tận dụng điều này để phát triển các liệu pháp nhắm vào các đặc điểm bất thường của các tế bào ung thư. Ví dụ, một số liệu pháp ung thư ngăn các mạch máu phát triển về phía khối u, về cơ bản bỏ đói khối u bởi các chất dinh dưỡng cần thiết…
UNG THƯ PHÁT TRIỂN NHƯ THẾ NÀO?
Ung thư là một bệnh di truyền, do những thay đổi của gen kiểm soát chức năng của các tế bào, đặc biệt là chức năng tăng sinh và phân chia.
Những thay đổi di truyền gây ra ung thư có thể xảy ra bởi vì:
- Các lỗi xảy ra khi các tế bào phân chia.
- DNA bị ảnh hưởng bởi các chất có hại trong môi trường, (như hóa chất trong khói thuốc lá và tia cực tím từ mặt trời…)
- Được di truyền từ bố mẹ.
Cơ thể thường loại bỏ các tế bào với DNA bị tổn thương trước khi chúng biến thành ung thư. Nhưng khi cơ thể càng già đi thì khả năng này càng suy giảm. Đây là một phần lý do dẫn đến việc nguy cơ ung thư sẽ cao hơn khi tuổi càng cao.
KHI UNG THƯ DI CĂN
Ung thư di căn khi được hình thành từ một nơi đầu tiên sau đó lan đến một nơi khác trong cơ thể. Ung thư di căn có cùng tên và cùng loại tế bào ung thư với ung thư ban đầu, hoặc ung thư nguyên phát. Ví dụ, ung thư vú tạo thành một khối u di căn trong phổi là ung thư vú di căn chứ không phải ung thư phổi.
Trong một số trường hợp, điều trị có thể giúp kéo dài cuộc sống của những người bị ung thư di căn. Trong các trường hợp khác, mục tiêu chính của điều trị ung thư di căn là kiểm soát sự phát triển của tế bào ung thư hoặc làm giảm các triệu chứng mà nó gây ra. Các khối u di căn có thể gây ra tổn thương nghiêm trọng cho cách thức hoạt động của cơ thể và hầu hết nguyên nhân tử vong do ung thư đều vì bệnh di căn.
CÓ PHẢI SỰ THAY ĐỔI VỀ MÔ NÀO CŨNG LÀ UNG THƯ?
Không phải sự thay đổi về mô nào cũng là ung thư. Tuy nhiên, một số sự thay đổi nếu không được theo dõi và điều trị có thể dẫn đến ung thư. Trong đó, 3 loại sự thay đổi về mô phổ biến và cần được theo dõi, điều trị gồm : Tăng sản (Hyperplasia), loạn sản (Dysplasia), ung thư tại chỗ (Carcinoma in situ).
- Tăng sản: Các tế bào trong mô nhân lên nhanh hơn bình thường dẫn đến sự tích tụ của các tế bào thừa. Tuy nhiên, các tế bào và cách tổ chức trong mô vẫn bình thường
- Loạn sản: các tế bào cũng nhân lên nhanh chóng và có sự tích tụ các tế bào phụ. Tuy nhiên khác với tăng sản, loạn sản xuất hiện sự khác biệt trong tế bào và cách tổ chức mô. Sự khác biệt về tế bào và cách tổ chức mô càng lớn thì khả năng hình thành ung thư càng cao
- Ung thư tại chỗ (Carcinoma in situ): Đôi khi tình trạng này còn được gọi là ung thư giai đoạn 0, Tuy nhiên, chúng chưa thật sự là ung thư vì các tế bào chưa có sự xâm lấn các tế bào lân cận theo như cách mà tế bào ung thư làm. Mặc dù vậy, chúng vẫn thường được điều trị vì có khả năng chuyển thành ung thư
NHỮNG LOẠI GEN NÀO ẢNH HƯỞNG ĐẾN SỰ PHÁT TRIỂN CỦA UNG THƯ?
Yếu tố di truyền đặc biệt quan trọng trong tiến trình hình thành ung thư. Có 3 loại gen liên quan đến sự phát triển của ung thư bao gồm :
- Proto-oncogenes: Có liên quan đến sự phát triển và phân chia tế bào bình thường. Chính vì vậy, trong trường hợp bất thường hoặc chúng hoạt động mạnh hơn sẽ dẫn đến sự tăng sinh tế bào một cách nhanh chóng
- Các gen ức chế khối u (Tumor suppressor genes): Liên quan đến việc kiểm soát sự phát triển và phân chia tế bào bằng cách tạo ra một loại protein được gọi là protein ức chế khối u giúp kiểm soát sự phát triển của tế bào. Sự bất thường ở gen này có thể dẫn đến tình trạng tế bào tăng sinh mất kiểm soát
- Các gen sửa chữa DNA (DNA repair genes): Các gen này có vai trò sửa chữa các hư hại trong DNA. Khi các gen này có sự bất thường sẽ dẫn đến những đột biến tại các gen khác và những thay đổi trong nhiễm sắc thể của chúng. Điều này cũng có thể dẫn đến sự hình thành ung thư
UNG THƯ CÓ NHỮNG LOẠI NÀO ?
Bên cạnh việc đặt tên ung thư theo các cơ quan hoặc mô nơi ung thư hình thành như : ung thư phổi, ung thư gan, ung thư não… Ung thư còn được gọi theo các tế bào hình thành nên chúng như tế bào biểu mô hay tế bào vảy.
Tài liệu tham khảo:
- National Institutes of Health (US); Biological Sciences Curriculum Study. NIH Curriculum Supplement Series [Internet]. Bethesda (MD): National Institutes of Health (US); 2007. Understanding Cancer. Available from: https://www.ncbi.nlm.nih.gov/books/NBK20362/
- What Is Cancer? (2021, May 5). National Cancer Institute. https://www.cancer.gov/about-cancer/understanding/what-is-cancer#:%7E:text=Cancer%20is%20a%20disease%20in,up%20of%20trillions%20of%20cells.
- WHO. (2019, July 12). Cancer. https://www.who.int/health-topics/cancer
- GLOBOCAN 2020: New Global Cancer Data. (2020, December 17). UICC. https://www.uicc.org/news/globocan-2020-new-global-cancer-data?fbclid=IwAR2aWbtQKDfnxXR_GMuXMiNBCTV7B8_y6XzWW9JIPfGzHzOBpbIYU0crQnU#