Thấy gì từ kết quả các nghiên cứu gần đây trên bệnh tim mạch

Số liệu mới từ các nghiên cứu có thể làm thay đổi niềm tin hay quan niệm trước kia về sử dụng thuốc trong điều trị các bệnh tim mạch cũng như trả lời được một số câu hỏi mà trước đây còn nhiều tranh cãi

Tác giả:

Cập nhật lần cuối lúc 11:36, 24/02/2024. Phản hồi về nội dung, liên hệ với chúng tôi tại đây

Các câu hỏi còn tranh cãi đó là:

  • Chúng ta nên khuyên bệnh nhân sử dụng các thuốc tăng huyết áp vào buổi sáng hay tối.
  • Có thể ngưng sử dụng các thuốc ức chế hệ RAS (renin–angiotensin) trên các bệnh nhân có bệnh thận mạn giai đoạn tiến triển
  • Chế phẩm bổ sung thường được sử dụng để giảm LDL có tương đương với statin không.

Chúng ta nên khuyên bệnh nhân sử dụng các thuốc tăng huyết áp vào buổi sáng hay tối sẽ cho kết quả tốt hơn? 

Trước đây, một số nghiên cứu đã gợi ý rằng việc sử dụng các thuốc huyết áp vào buổi tối có thể cho kết quả tốt hơn so với việc dùng thuốc vào buổi sáng. Tuy nhiên, nghiên cứu TIME đăng tải trên tạp chí The Lancet (nghiên cứu lâm sàng ngẫu nhiên, tiến cứu, nhãn mở) được thực hiện nhằm đánh giá kết quả trên tim mạch ở người lớn bị tăng huyết áp khi dùng thuốc hạ huyết áp thông thường vào buổi tối so với buổi sáng ở Anh lại cho kết quả khác hẳn.

Trong số 21.104 người tham gia nghiên cứu bị mắc bệnh tăng huyết áp và đang dùng ít nhất 1 loại thuốc để điều trị căn bệnh này được chia ngẫu nhiên (1:1) vào hai nhóm sử dụng thuốc vào buổi sáng hoặc buổi tối. Tiêu chí đánh giá chính được đưa ra là tỷ lệ tử vong hoặc nhập viên do nhồi máu cơ tim hoặc đột quỵ 

Kết quả nghiên cứu này cho thấy, dù sử dụng thuốc vào buổi sáng hay buổi tối đều không có sự khác biệt về các tiêu chí đánh giá chính. Do vậy, chúng ta có thể linh hoạt hơn trong việc hướng dẫn bệnh nhân uống thuốc miễn là bệnh nhân có thể nhớ được để tuân thủ uống thuốc vào buổi sáng hay buổi tối. Về mặt lâm sàng, chế độ điều trị cho bệnh nhân càng đơn giản thì sự tuân thủ càng cao, dẫn đến kết quả tốt hơn.

Có thể ngưng các thuốc ức chế RAS trên bệnh nhân mắc bệnh thận mạn tính giai đoạn tiến triển? 

Các thuốc ức chế RAS như nhóm ức chế men chuyển (ACEI) hay ức chế thụ thể (ARB) thường được dùng để làm giảm tiến triển của bệnh thận mạn tính nhẹ hoặc trung bình. Tuy nhiên, kết quả từ nghiên cứu STOP ACEi (một thử nghiệm lâm sàng ngẫu nhiên, nhãn mở, đa trung tâm) được đăng tải trên tạp chí NEJM  lại cho thấy nếu ngừng sử dụng thuốc ức chế RAS ở bệnh nhân mắc bệnh thận mạn tính giai đoạn tiến triển có thể không ảnh hưởng đến eGFR dài hạn. 

Sau 3 năm, trong số 411 bệnh nhân tham gia nghiên cứu có eGFR < 30 được chia nghẫu nhiên vào 2 nhóm là tiếp tục sử dụng thuốc ức chế RAS hoặc ngưng sử dụng. Tiêu chí đánh giá chính của nghiên cứu này là eGFR sau 3 năm. 

Kết quả cho thấy, không có sự khác biệt đáng kể nào ở hai nhóm tiếp tục hay ngưng sử dụng thuốc ức chế RAS, cụ thể eGFR trên nhóm ngưng điều trị là 12.6 so với 13.3 ở nhóm tiếp tục điều trị bằng thuốc ức chế RAS. Từ kết quả trên, các tác giả nghiên cứu này đã kết luận rằng việc ngừng sử dụng thuốc ức chế RAS không liên quan đến sự khác biệt đáng kể về độ giảm eGFR lâu dài. 

Kết luận này có thể có ý nghĩa đặc biệt trong một số trường hợp lâm sàng khi chúng ta quyết định ngừng sử dụng thuốc này trên bệnh nhân suy thận mạn tiến triển để giảm việc dùng thuốc quá mức và có thể chuyển sang một số thuốc mới hơn đã được chứng minh là ngăn chặn sự suy giảm eGFR.

Chế phẩm bổ sung có giảm LDL tương đương với statin không?

Trong một nghiên cứu được đăng tải trên tạp chí Journal of the American College of Cardiology, các tác giả đã tiến hành so sánh hiệu quả của rosuvastatin liều thấp với giả dược và 6 chế phẩm bổ sung (dầu cá, quế, tỏi, nghệ, sterol thực vật và men gạo đỏ) thường được bệnh nhân dùng nhằm giúp giảm mỡ máu.

Nghiên cứu được thực hiện trên 190 người không có tiền sử bệnh tim mạch nhưng có nguy cơ mắc bệnh tim mạch xơ vữa trong 10 năm. Kết quả nghiên cứu này cho thấy,  phần trăm giảm LDL-C với rosuvastatin lớn hơn tất cả các chất bổ sung và giả dược (p <0,001). Sự khác biệt về mức giảm LDL-C của rosuvastatin so với giả dược là -35,2% (khoảng tin cậy 95%, -41,3 đến -29,1, p < 0,001). Không có chất bổ sung nào chứng minh giảm đáng kể LDL-C so với giả dược. Tỷ lệ sự kiện bất lợi là tương tự giữa các nhóm nghiên cứu.

Kết quả từ nghiên cứu này có thể giúp chúng ta đưa ra các lời khuyên trên thực tế khi bệnh nhân hỏi về việc sử dụng chế phẩm bổ sung, vốn là ngành công nghiệp sinh lợi khổng lồ.

Biên tập từ: New Studies Change Beliefs About Cardiovascular Disease. (2022, November 29). Medscape. https://www.medscape.com/viewarticle/984181

Tài liệu tham khảo 

  1. Luke J. Laffin, Dennis Bruemmer, (et al 2022).Comparative Effects of Low-Dose Rosuvastatin, Placebo and Dietary Supplements on Lipids and Inflammatory Biomarkers,Journal of the American College of Cardiology
  2. Mackenzie, I. S., Rogers, A., Poulter, N. R., Williams, B., Brown, M. J., Webb, D. J., Ford, I., Rorie, D. A., Guthrie, G., Grieve, J. W. K., Pigazzani, F., Rothwell, P. M., Young, R., McConnachie, A., Struthers, A. D., Lang, C. C., & MacDonald, T. M. (2022). Cardiovascular outcomes in adults with hypertension with evening versus morning dosing of usual antihypertensives in the UK (TIME study): a prospective, randomised, open-label, blinded-endpoint clinical trial. The Lancet, 400(10361), 1417–1425. https://doi.org/10.1016/s0140-6736(22)01786-x
  3. Bhandari, S., Mehta, S., Khwaja, A., Cleland, J. G., Ives, N., Brettell, E., Chadburn, M., & Cockwell, P. (2022). Renin–Angiotensin System Inhibition in Advanced Chronic Kidney Disease. New England Journal of Medicine, 387(22), 2021–2032. https://doi.org/10.1056/nejmoa2210639
Chia sẻ bài viết này