Toàn cảnh thị trường Dược phẩm Việt Nam năm 2020 và dự đoán cho năm 2021

Dịch Covid-19 đã để lại dấu ấn trên thị trường dược phẩm, do những thay đổi trong hành vi, thói quen của người dân và những điều chỉnh của ngành y tế trong công tác chăm sóc sức khoẻ.

Tác giả:

Cập nhật lần cuối lúc 10:54, 02/08/2021. Phản hồi về nội dung, liên hệ với chúng tôi tại đây

Năm 2020 là một năm được xem là thành công với thị trường dược Việt Nam. Dịch Covid-19 đã để lại dấu ấn trên thị trường dược phẩm, do những thay đổi trong hành vi, thói quen của người dân và những điều chỉnh của ngành y tế trong công tác chăm sóc sức khoẻ. Các nhóm thuốc tăng trưởng mạnh nhất là ức chế miễn dịch (40%), vaccine (36%), ung thư (13%), đái tháo đường (11%). Trong khi đó, tăng trưởng âm lại bất ngờ ghi nhận với những nhóm thuốc vốn được sử dụng khá thông dụng trước đây như nhóm kháng virus đường toàn thân (-20%), dung dịch truyền (-17%), kháng vi khuẩn đường toàn thân (-8%), thuốc bảo vệ gan và tăng tiết mật (-7%), thuốc kháng acid – chống đầy hơi – giảm loét (-4%).

  • Quý 1 năm 2020: doanh thu thị trưởng vẫn ổn định với 1.6 tỷ USD, tăng trưởng 14% so với cùng kỳ năm 2019. Thời điểm này chưa bùng dịch, các kênh dự trữ thuốc như mọi khi.
  • Cuối quý 1 Việt Nam đối mặt với làn sóng tấn công đầu tiên của dịch Covid-19 nên trong suốt thời gian quý 2, người dân (đặc biệt là người già và trẻ em) được khuyến cáo ở nhà với đỉnh điểm cách ly toàn xã hội 15 ngày từ 01/04/2020 kèm theo các biện pháp nâng cao sức khỏe như: tập thể dục, rửa tay và chế độ dinh dưỡng. Người dân khoẻ mạnh hơn, ít bị các bệnh nhiễm nhẹ, ít ra nhà thuốc lẻ; đồng thời cũng hạn chế đi khám bệnh nếu chưa thật sự cần do lo ngại bùng dịch ở các bệnh viện. Doanh số quý 2 sụt còn 1.4 tỷ USD và tăng trưởng -12%.

Khi dịch được kiểm soát tốt ở Việt Nam cũng là thời điểm trên thế giới tình hình càng ngày nghiêm trọng, dẫn đến nhiều bệnh nhân Việt Nam không đi khám chữa bệnh ở nước ngoài mà lựa chọn điều trị tại Việt Nam như ung thư, chống thải ghép. Các nhóm thuốc ức chế miễn dịch, ung thư vì thế mà tăng trưởng rất mạnh. Bên cạnh đó, ý thức của người dân về phòng ngừa bệnh với vaccine cũng được tăng cường trong giai đoạn dịch này. Những bệnh nhân có bệnh mãn tính như tim mạch, đái tháo đường mong muốn điều trị hiệu quả hơn, nhằm tránh biến chứng nếu lỡ mắc Covid. Từ quý 3, thị trường hồi phục ngoạn mục với 1.6 tỷ USD và kịp cán mốc 1.8 tỷ USD tại quý 4. Thuốc ETC chiếm 63% thị phần (tăng trưởng 2%) so với thị phần 37% (tăng trưởng 1%) của thuốc OTC.

Báo cáo tóm tắt ngành Dược Việt Nam 2020

Tải báo cáo tóm tắt ngành dược với đầy đủ dữ liệu

Các công ty nào dẫn đầu thị trường dược phẩm 2020

Điểm chung của 1 số công ty trong top 10 là đều có sản phẩm vaccine ra thị trường như GSK, Sanofi, Pfizer. Năm 2020, mảng vaccine chứng kiến sự tăng trưởng vượt bậc do tâm lý ưu tiên vaccine ngoại, ý thức phòng ngừa bệnh tốt hơn.

  • GSK đứng đầu với thế mạnh về kháng sinh, vaccine và thuốc OTC. Theo sát sau là Sanofi vốn cũng rất mạnh về mảng vaccine
  • MSD dựa vào Keytruda (trong ung thư) và vaccine
  • Các thuốc mảng tiểu đường – tim mạch giúp Novartis đứng thứ 5 
  • AstraZeneca đứng thứ 6 với tiêu điểm Forxiga (đái tháo đường)
  • Roche tăng trưởng chủ yếu với nhóm thuốc ung thư, đứng thứ 8
  • Trong top 20, chứng kiến sự xuất hiện của 2 công ty dược Việt Nam: DHG (Dược Hậu Giang) – thứ 3 và Traphaco (chuyên về hàng OTC) – thứ 14. Dịch Covid-19 đã khiến người dân Việt Nam dần chuyển sang các thuốc nội với giá thành rẻ hơn rất nhiều như: Klamentin của DHG có giá chỉ bằng 30% so với Augmentin của GSK. Liệu thị trường cho 2 công ty này có bị bão hoà trong những năm tới hay không, đó là câu hỏi mở.

Ảnh hưởng của Covid-19 trên kênh bệnh viện và nhà thuốc

Trong năm 2020, các kênh cũng bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch Covid-19, nhất là kênh bệnh viện trong quý 2 khi số lượng bệnh nhân đi khám bệnh và bệnh nhân nội trú giảm mạnh.

Khi dịch được kiểm soát tốt ở Việt Nam cũng là thời điểm trên thế giới tình hình càng ngày nghiêm trọng, dẫn đến nhiều bệnh nhân Việt Nam không đi khám chữa bệnh ở nước ngoài mà lựa chọn điều trị tại Việt Nam như ung thư, chống thải ghép. Các nhóm thuốc ức chế miễn dịch, ung thư vì thế mà tăng trưởng rất mạnh.

Hạnh Phạm (2021), Toàn cảnh thị trường Dược phẩm Việt Nam năm 2020 và dự đoán cho năm 2021, Medica Wiki

Kênh bệnh viện: So với cùng kỳ năm 2019, nếu quý 1 chứng kiến doanh thu tăng 18% thì quý 2 lại sụt giảm tới 14%. Đó là kết quả của dịch Covid và những thay đổi trong quy định về khám chữa bệnh của Bộ y tế như công văn số 1445/BYT-KCB ban hành ngày 20/03/2020 cho phép kê số lượng thuốc sử dụng trong đơn cho người bệnh là người cao tuổi, người mắc bệnh cần điều trị dài ngày không quá 03 tháng.

Kênh nhà thuốc: So với cùng kỳ năm 2019, quý 1 tăng 7% trùng với thời điểm người dân đổ xô mua khẩu trang y tế, nước sát khuẩn và các thuốc khác. Trong khi đó, quý 2 lại sụt giảm 7% – thời điểm chính phủ thực hiện các mức độ giãn cách, cách ly xã hội.

Dự báo năm tài khóa 2021 và giai đoạn 10 năm tiếp theo

Với các biện pháp kiểm soát dịch tốt, doanh thu thị trường Việt Nam được dự báo sẽ tiếp tục tăng trưởng dương 8% so với năm 2020 để cán mốc 6.9 tỷ USD.

Thị trường Dược phẩm Việt Nam tuy còn nhỏ nhưng dự đoán sẽ tiếp tục phát triển nhanh nhất châu Á. Việt Nam có tiềm năng cao để đầu tư trong khu vực châu Á – Thái Bình Dương, với tỷ lệ tăng trưởng luỹ tiến hàng năm (CAGR) trong giai đoạn từ 2015-2020 khoảng 10%, cao nhất trong khu vực và được dự đoán tiếp tục giữ vị thế độc tôn. Hơn thế nữa, tốc độ tăng trưởng của thị trường luôn luôn cao, tổng doanh thu tăng từ 1.6 tỷ USD tới 6.4 tỷ USD trong giai đoạn 2010-2020 và được dự báo tăng tới 17 tỷ USD vào năm 2030, với trung bình tăng 10%/năm kể từ năm 2020 khi GDP (PPP) tăng, già hóa dân số cũng như nhận thức tầm quan trọng của chăm sóc sức khỏe được nâng cao.

Tham khảo: IQVIA, Tổng Cục Thống kê

Chia sẻ bài viết này