COVID-19 ở trẻ em: số liệu hiện nay và hội chứng viêm đa hệ thống hậu COVID

Trẻ em trước đây được cho là hiếm khi phát triển thành bệnh nặng nếu mắc Covid-19 và có thể trở thành người mang bệnh thầm lặng (silent carriers) do không hoặc ít triệu chứng. Tuy nhiên, trước biến thể mới Delta, tỷ lệ trẻ em mắc Covid ngày càng tăng nhanh và một số trẻ có diễn biến nặng, đặc biệt là trẻ có bệnh nền hoặc trẻ nhỏ.

Tác giả: ,

Cập nhật lần cuối lúc 17:04, 29/08/2021. Phản hồi về nội dung, liên hệ với chúng tôi tại đây

Tại Việt Nam, trong tháng 7 vừa qua, Hà Nội ghi nhận có tới 5% số ca mắc thuộc nhóm trẻ em từ 0 – 5 tuổi (43 / 864 ca dương tính), tỷ lệ này tăng đáng kể so với những đợt dịch trước.  Indonesia là một trong những tâm dịch lớn nhất Đông Nam Á với tổng số hơn 3,2 triệu ca mắc. Tỷ lệ nhiễm Covid-19 ở trẻ từ 0 – 5 tuổi là 2,9%, và ở 6 – 18 tuổi là 9,9%. Tính từ đầu dịch đến nay, tổng số ca tử vong tại Indonesia là hơn 86.000 ca, trong đó trẻ em dưới 18 tuổi là hơn 800 ca, chiếm tỷ lệ khoảng 1%.

Trong khi đó, Viện hàn lâm Nhi khoa Hoa Kỳ (AAP) ghi nhận trong vòng 7 ngày tính đến 19/8/2021 có 180.175 trường hợp nhiễm Covid-19 ở trẻ em đã được báo cáo, chiếm 22.4% trong tổng số các trường hợp, cao hơn 7% so với những tuần trước đó. Tỷ lệ nhập viện ở trẻ em trong độ tuổi từ 5-17 cũng tăng lên  0,4% / 100000 dân. Thống kê từ Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF), số ca trẻ em tử vong do dịch Covid trên toàn cầu (78 nước) hiện là 8700/2,7 triệu ca, chiếm 0,3% số tử vong.

Một biến chứng hiếm nhưng nguy hiểm là Hội chứng viêm đa hệ thống liên quan với Covid (MIS-C) đặc trưng bởi sốt dai dẳng và rối loạn chức năng cơ quan đa hệ, xuất hiện từ 2-6 tuần sau khi mắc Covid

Ca mắc MIS-C đầu tiên là ở Anh vào tháng 4 năm 2020. Từ lúc đó, có hơn 4000 ca MIS-C được báo cáo tại Mỹ.

Đặc biệt, 70% bệnh nhân mắc MIS-C có kháng thể kháng Covid-19.

Cơ chế gây bệnh của MIS-C

Trong khi nguyên nhân chính xác hiện chưa được biết rõ, trẻ em gặp phải các triệu chứng MIS-C cho thấy phản ứng phản ứng siêu viêm thứ phát sau nhiễm Covid-19.

Yonker và cộng sự đã phát hiện thấy nồng độ protein gai SARS-CoV-2 S1 tăng đáng kể (P = 0,004) ở bệnh nhân MIS-C so với nhóm chứng khỏe mạnh. Họ cũng tìm thấy nồng độ zonulin trong máu tăng (P = 0,003), một loại protein điều hòa tính thẩm thấu của đường tiêu hóa, dẫn đến sự rò rỉ của các kháng nguyên SARS-CoV-2 vào máu.

  • Mô típ siêu kháng nguyên (superantigen motif) gần vị trí phân cắt S1 / S2 trên protein gai (spike protein) của SARS-CoV-2 được cho rằng kích hoạt phản ứng viêm siêu vi MIS-C bằng cách tương tác với các thụ thể tế bào T và các phân tử phức hợp tương thích mô loại II (histocompatibility complex class  II).
  • Ngoài ra, Vella và cộng sự đã phát hiện sự gia tăng hoạt hoá tế bào T tuần hành CX3CR1 + CD8 + do kháng nguyên SARS-CoV-2.

Cách nhận biết bệnh và các triệu chứng thường gặp là gì?

Khác với các triệu chứng nhẹ mà trẻ em nhiễm Covid-19 gặp, MIS-C ở trẻ em có triệu chứng đa dạng, bao gồm sốt và sốc tim (cardiogenic shock).

Các triệu chứng phổ biến của hội chứng này bao gồm:

  • Đau bụng
  • Nôn
  • Nổi ban
  • Tiêu chảy
  • Xung huyết kết mạc (conjunctival hyperemia)

Một nghiên cứu trên 1733 bệnh nhân mắc hội chứng viêm đa hệ tại Hoa Kỳ cho thấy, 90.4% bệnh nhân có biến chứng liên quan đến ít nhất 4 hệ thống cơ quan và 58.2% đã được nhập viện điều trị tích cực.

Một nghiên cứu khác từ Hiệp hội Tim mạch Châu Âu và Tim mạch Bẩm sinh cho thấy trong số 286 bệnh nhân mắc MIS-C ở 17 nước Châu Âu, 93% số ca có biến chứng ở cơ tim, 71% có triệu chứng ở đường tiêu hoá, 40% bị sốc, và 35% có loạn nhịp tim. Tất cả bệnh nhân có triệu chứng sốt dai dẳng và tăng các chỉ số viêm như CRP, ferritin huyết thanh, procalcitonin, IL-6, và D-dimer.

Các chuyên gia hiện nay gặp vài khó khăn khi nhận biết Hội chứng viêm đa hệ và một vài các bệnh siêu viêm (hyperinflammatory diseases) như Kawasaki hoặc Hội chứng sốc độc hại (toxic shock syndrome). MIS-C thường xảy ra ở trẻ độ tuổi trung bình là 8-9 tuổi, trong khi Kawasaki thường xảy ra trẻ em ở độ 2-3 tuổi. Những triệu chứng khi đau bụng và các ảnh hưởng tim mạch có thể giúp loại trừ Hội chứng sốc độc hại hoặc Kawasaki.

Xử trí

Hướng dẫn về MIS-C của Khoa Thấp khớp Hoa Kỳ khuyến cáo sử dụng immunoglobulin tiêm tĩnh mạch liều cao (IVIG) (2g/kg trọng lượng cơ thể lý tưởng), glucocorticoids, hoặc cả hai. 

  • Với bệnh nhân mắc rối loạn chức năng tim, IVIG có thể dùng theo liều 1g/kg hàng ngày trong hơn 2 ngày và có thể yêu cầu giám sát chặt chẽ và dùng thuốc lợi tiểu.
  • Methylprednisolone hoặc các steroid khác có thể được sử dụng làm liệu pháp đầu tay ở mức 1 đến 2 mg / kg mỗi ngày cho những bệnh nhân có nồng độ các peptide natriuretic loại B tăng cao, nhịp tim nhanh, hoặc biểu hiện yếu nhưng chưa bị sốc hoặc tình trạng đe dọa cho các cơ quan. 

Kết hợp IVIG và Methylprednisolone được cho là có kết quả điều trị tốt hơn, nguy cơ thất bại điều trị thấp hơn và thời gian nhập viện ngắn hơn (4 ngày so với 6 ngày) so với bệnh nhân chỉ nhận được IVIG.

  • Ngoài ra, axit acetylsalicylic liều thấp (3 đến 5 mg /kg mỗi ngày lên tới 81 mg/ngày) được khuyến cáo nhằm chống kháng thuốc đối với bệnh nhân MIS-C không có nguy cơ chảy máu nghiêm trọng.
  • Điều trị đích nhằm trung hòa các cytokine viêm với chất đối kháng thụ thể IL-1 (ví dụ: anakinra) hoặc đối kháng thụ thể IL-6 (ví dụ: tocilizumab) cũng đã được tìm thấy có hiệu quả như liệu pháp thứ hai. Thời gian nằm viện trung bình là 6 ngày, với kết quả tích cực.

Một nghiên cứu hồi cứu đa ngành được công bố gần đây cho thấy sau 6 tháng, viêm hệ thống đã được điều trị khỏi ở 45 trên 46 bệnh nhân, siêu âm tim cho kết quả bình thường ở 44 bệnh nhân và chỉ có 6 bệnh nhân báo cáo các triệu chứng tiêu hóa. Những bất thường nhỏ về thần kinh được phát hiện ở 18 bệnh nhân nhưng không tương quan với khiếm khuyết chức năng thần kinh. Những triệu chứng khác lúc 6 tháng bao gồm mỏi cơ, lo lắng và rối loạn cảm xúc không ổn định.

Hội chứng viêm đa hệ thống ở trẻ em hậu Covid-19 là hội chứng ít gặp, nhưng có khả năng gây nguy hiểm. Nhận biết các triệu chứng sớm giúp điều trị kịp thời với tiên lượng tốt. Ngoài ra, nỗ lực giảm nguy cơ tiếp xúc với Covid-19 ở trẻ em và thanh thiếu niên, đặc biệt là những người từ có hoàn cảnh khó khăn trong xã hội, cũng là cách để hạn chế tỷ lệ mắc bệnh MIS-C.

Chia sẻ bài viết này