Tác giả: Minh Châu, Đỗ Khánh LinhvàNguyễn Trần Lệ Vy
Cập nhật lần cuối lúc 15:08, 29/08/2021. Phản hồi về nội dung, liên hệ với chúng tôi tại đây
Kết cục chính được tính trên biến cố tử vong do tim mạch và nhập viện vì suy tim trong vòng 26 tháng.
Các kết quả cho thấy
- Chỉ có 13,8 % bệnh nhân trong nhóm sử dụng empagliflozin gặp phải các biến cố trong kết cục chính, thấp hơn so với nhóm dùng giả dược là 17,1% (HR 0.79; 95% CI 0.69 to 0.90, p < 0.001).
- Giảm 27% nguy cơ nhập viện do suy tim ở nhóm empagliflozin (8.6%) so với giả dược (11.8%)
- Hiệu quả của empagliflozin tương đồng ở cả hai nhóm bệnh nhân có hoặc không mắc đái tháo đường
- Nhiễm khuẩn đường sinh dục và tiết niệu không biến chứng, hạ huyết áp được báo cáo thường xuyên hơn ở nhóm sử dụng empagliflozin.
Xem poster của EMPEROR-Preserved của ESC đăng trên Twitter
Các kết quả thu được từ EMPEROR- Preserved mang tính đột phá trong điều trị suy tim phân suất tống máu bảo tồn. Tuy nhiên, kết quả này dường như chưa thuyết phục hoàn toàn đối với một số nhà lâm sàng vì hiệu quả của empagliflozin trong nghiên cứu này phần lớn dựa vào việc giảm 27% nguy cơ nhập viện, trong khi giảm 9% nguy cơ tử vong KHÔNG có ý nghĩa thống kê. Mặt khác, lợi ích có vẻ giảm khi EF > 60%. Nhìn lại điều trị, nhóm thuốc lợi tiểu quai là một nhóm có giá thành rẻ hơn nhưng cũng cho thấy hiệu quả trong việc giảm nguy cơ nhập viện. Một điểm đáng chú ý là chỉ có 14% người châu Á trong nghiên cứu này, đây cũng là yếu tố cần lưu ý khi sử dụng cho bệnh nhân ở Việt Nam.
Có lý giải nào có thể đưa ra cho việc không giảm tỷ lệ tử vong? Một mặt, có thể do thời gian theo dõi chưa đủ lâu; mặt khác có thể việc sử dụng một thuốc chưa đủ để thay đổi cục diện.
Mặc dù vậy kết quả từ EMPEROR Preserved ít nhiều đã mở ra 1 lựa chọn mới cho nhóm suy tim này. Chúng ta chờ đợi kết quả tới từ nghiên cứu DELIVER để xem hiệu quả của dapagliflozin trên đối tượng HFpEF.
Giải thích thuật ngữ
Suy tim là một hội chứng lâm sàng phức tạp, là hậu quả của những tổn thương thực thể hay rối loạn chức năng của tim dẫn đến tâm thất không đủ khả năng tiếp nhận máu hoặc tống máu.
Theo phân loại ESC 2016 (được Hội Tim mạch học Việt Nam đưa vào khuyến cáo), suy tim được phân thành:
- Suy tim với phân suất tống máu (PSTM) giảm (heart failure with reduced ejection fraction – HFrEF) hay còn gọi là suy tim tâm thu.
- Suy tim với PSTM bảo tồn (heart failure with preserved ejection fraction – HFpEF) hay còn gọi là suy tim tâm trương.
- Suy tim với PSTM ở khoảng giữa (heart failure with mid-range ejection fraction – HFmrEF).
Nguồn: Tim Mạch Học (2020), Chẩn đoán và điều trị suy tim mạn