Tác giả: Minh ChâuvàDS. Nguyễn Công Thành
Cập nhật lần cuối lúc 23:49, 25/08/2022. Phản hồi về nội dung, liên hệ với chúng tôi tại đây
Các điểm chính
- Các kế hoạch điều trị phục hồi chức năng nên được cá nhân hóa theo tình trạng của từng bệnh nhân, có tính đến các bệnh đi kèm của họ.
- Tập thể dục cường độ thấp nên được cân nhắc ngay từ ban đầu, đặc biệt đối với những bệnh nhân cần điều trị bằng oxy, đồng thời theo dõi các dấu hiệu sinh tồn (nhịp tim, đo oxy mạch và huyết áp). Việc tăng dần cường độ tập thể dục nên dựa trên sự cải thiện các biểu hiện chức năng hô hấp.
- Di chứng về tim nên được xem xét ở tất cả bệnh nhân hậu COVID-19, bất kể mức độ nghiêm trọng và tất cả bệnh nhân nên được đánh giá về các triệu chứng tim, khả năng hồi phục, chức năng và những suy giảm tiềm ẩn.
- Tập luyện và chơi thể thao ở mức độ cao có thể được tiếp tục sau viêm cơ tim, nếu chức năng tâm thu thất trái bình thường, các biomarkers huyết thanh của tổn thương cơ tim là bình thường và nếu rối loạn nhịp tim liên quan được loại trừ khi theo dõi điện tâm đồ 24 giờ
Xem phần 1 tại đây
Vậy chúng ta phải giải quyết tình trạng này như thế nào?
Trong tuyên bố đồng thuận chung được đưa ra bởi Stanford Hall về việc phục hồi hậu Covid-19 đã đưa ra các khuyến nghị về phục hồi chung như sau:
- Các bác sĩ lâm sàng cần tuân thủ các biện pháp phòng ngừa, trang bị phương tiện bảo vệ cá nhân phù hợp theo chính sách của địa phương và cần thực hiện các biện pháp để tránh hoặc giảm nguy cơ tạo ra khí dung trong các can thiệp
- Cá nhân hoá kế hoạch phục hồi chức năng, tuỳ theo tình trạng & bệnh lý đi kèm
- Tập trung làm giảm khó thở, trở ngại tâm lý,
- Động viên bệnh nhân chủ động tham gia phục hồi thể chất & chất lượng cuộc sống
Khuyến nghị phục hồi chức năng phổi
Phục hồi chức năng phổi đã được ủng hộ trong vài thập kỷ qua như một cách để chăm sóc toàn diện và cải thiện tình trạng chức năng của bệnh nhân mắc các bệnh lý về hô hấp. Nó có thể được định nghĩa là ‘một can thiệp đa ngành dựa trên các đánh giá và điều trị được cá nhân hóa, bao gồm nhưng không giới hạn : tập thể dục, giáo dục và điều chỉnh các hành vi. Chúng được thiết kế để cải thiện tình trạng thể chất và tâm lý của những người mắc bệnh về hô hấp ‘
- Đánh giá ban đầu được khuyến cáo nên thực hiện một cách kịp thời, để đánh giá mức độ rối loạn chức năng, suy hô hấp và tình trạng thể chất – tinh thần của bệnh nhân.
- Tập thể dục cường độ thấp nên được cân nhắc ngay từ ban đầu, đặc biệt đối với những bệnh nhân cần điều trị bằng oxy, đồng thời theo dõi các dấu hiệu sinh tồn (nhịp tim, đo oxy mạch và huyết áp). Việc tăng dần cường độ tập thể dục nên dựa trên sự cải thiện các biểu hiện chức năng hô hấp.
Khắc phục tình trạng khó thở bằng việc thực hiện tập thở bụng (thở cơ hoành):
Khoảng 80% việc thở được thực hiện bởi cơ hoành. Sau khi bị bệnh hoặc suy giảm sức khỏe, cách thở có thể bị thay đổi, với chuyển động cơ hoành giảm và sử dụng nhiều hơn các cơ phụ ở cổ và vai. Điều này dẫn đến thở nông, tăng cảm giác mệt mỏi và khó thở, đồng thời tốn nhiều năng lượng hơn. Kỹ thuật “kiểm soát hơi thở” nhằm mục đích bình thường hóa các kiểu thở và tăng hiệu quả của các cơ hô hấp (bao gồm cả cơ hoành), giúp giảm tiêu hao năng lượng, ít kích ứng đường thở hơn, giảm mệt mỏi và cải thiện tình trạng khó thở.
Theo lời khuyên từ Tiến sĩ Preeti Shah (Nhà vật lý trị liệu ở Kondhwa) về bài tập thở giúp tăng cường chức năng của phổi gồm 4 bước như sau:
- Hít vào một hơi thật chậm và sâu
- Đổ đầy không khí vào phổi của bạn. Làm 10 lần/ lần tập x 5 lần tập mỗi ngày.
- Bụng bắt đầu phình lên
- Hóp bụng lại và thở ra
Các khuyến nghị về di chứng tim mạch và phục hồi chức năng
SARS-COV-2 cũng tương tự như các CoV khác, chúng đều có liên quan đến các biến chứng về tim, đặc biệt là loạn nhịp tim và tổn thương cơ tim. Các biến chứng về tim có thể do đa yếu tố và có thể do tổn thương cơ tim từ các nguyên nhân : virus, thiếu oxy, giảm điều hòa thụ thể ACE 2, hạ huyết áp, tăng gánh nặng viêm nhiễm toàn thân hoặc nhiễm độc thuốc
- Di chứng về tim nên được xem xét ở tất cả bệnh nhân hậu COVID-19, bất kể mức độ nghiêm trọng và tất cả bệnh nhân nên được đánh giá về các triệu chứng tim, khả năng hồi phục, chức năng và những suy giảm tiềm ẩn. Tùy thuộc vào các đánh giá ban đầu và triệu chứng của bệnh nhân để đưa ra hướng điều trị. Hoặc nên tìm kiếm lời khuyên của bác sĩ chuyên khoa. Trong trường hợp cần thiết, các bài kiểm tra thêm có thể bao gồm: điện tâm đồ, siêu âm tim, kiểm tra bài tập tim phổi và / hoặc MRI tim… nên được thực hiện
- Nếu có bệnh lý về tim, các gói phục hồi chức năng tim cụ thể nên được cung cấp một cách phù hợp với từng cá nhân dựa trên các đánh giá về biến chứng tim, suy giảm và nhu cầu phục hồi chức năng của họ.
- Những bệnh nhân trở lại hoạt động thể thao ở mức độ cao hoặc công việc đòi hỏi vận động thể chất cao, sau khi bị viêm cơ tim được xác nhận là cần phải nghỉ ngơi hoàn toàn trong khoảng thời gian 3-6 tháng. Thời gian nghỉ ngơi sẽ phụ thuộc vào mức độ nghiêm trọng trên lâm sàng và thời gian bị bệnh, chức năng thất trái khi khởi phát và mức độ viêm
- Tập luyện và chơi thể thao ở mức độ cao có thể được tiếp tục sau viêm cơ tim, nếu chức năng tâm thu thất trái bình thường, các biomarkers huyết thanh của tổn thương cơ tim là bình thường và nếu rối loạn nhịp tim liên quan được loại trừ khi theo dõi điện tâm đồ 24 giờ
- Nếu trở lại với các môn thể thao cấp độ cao hoặc công việc đòi hỏi thể chất cao sau khi bị viêm cơ tim, bệnh nhân phải được đánh giá lại định kỳ, đặc biệt là trong 2 năm đầu.
Tình trạng đau ngực
Tình trạng này nếu kéo dài ở những người mắc hội chứng hậu Covid-19 họ nên được :
- Thăm khám tại cơ sở y tế để thực hiện các đánh giá lâm sàng
- Trong trường hợp chẩn đoán không chắc chắn hoặc sức khỏe yếu, có thể họ cần phải chuyển sang viện tim mạch khẩn cấp để đánh giá và điều trị chuyên khoa (bao gồm siêu âm tim, chụp cắt lớp lồng ngực hoặc chụp cộng hưởng từ tim).
Các khuyến nghị về di chứng thần kinh
Kết quả tới từ một báo cáo các triệu chứng lâm sàng của 100 bệnh nhân mắc hậu covid từ một phòng khám được đăng tải trên tạp chí Frontiers In Neurology, cho thấy trong số 89% bệnh nhân đến khám ngoại trú tại Khoa Thần kinh đã từng mắc covid-19 nhẹ và không cần nhập viện, có 30% bệnh nhân báo cáo là suy giảm nhận thức và đạt dưới 26 điểm trong thang đánh giá nhận thức của Montreal. Mệt mỏi chiếm 67%; và đáng chú ý là có 5,5% tổng số bệnh nhân có dấu hiệu trầm cảm nặng.
Trong tuyên bố đồng thuận chung được đưa ra bởi Stanford Hall cũng đưa ra một số khuyến nghị cho tình trạng này bao gồm:
- Tất cả bệnh nhân mắc COVID-19 nên được xem xét liệu rằng họ có bất kỳ triệu chứng thần kinh nào không, vì các triệu chứng có thể xuất hiện ngay lập tức (tại thời điểm nhiễm bệnh) hoặc chậm trễ (trong những tuần sau COVID-19).
- Trấn an bệnh nhân rằng các triệu chứng thần kinh nhẹ như: đau đầu, chóng mặt, mất khứu giác hoặc vị giác, và các thay đổi về giác quan có khả năng sẽ cải thiện mà không cần có sự can thiệp quá lớn.
- Bệnh nhân cần được hướng dẫn để các triệu chứng thần kinh từ nhẹ đến trung bình có khả năng hồi phục hoàn toàn.
- Các triệu chứng nặng có thể dẫn đến suy giảm nghiêm trọng hoặc thay đổi cuộc sống của người bệnh. Do đó, phục hồi chức năng đa mô thức cho bệnh nhân nội trú được khuyến cáo cho những bệnh nhân có các triệu chứng thần kinh từ trung bình đến nặng để tối đa hóa khả năng hồi phục.
- Các đánh giá về thể chất, nhận thức và chức năng cần được xem xét để hỗ trợ việc trở lại làm việc theo đặc điểm của từng nghành nghề.
Hiện nay, có rất ít các hướng dẫn dựa trên bằng chứng về việc phục hồi chức năng hậu COVID-19. Cần có thêm những nghiên cứu chuyên sâu hơn về di chứng của COVID-19 và tác động lâu dài của nó đối với cá nhân cũng như cập nhật các hướng dẫn điều trị cho từng tình trạng, triệu chứng của bệnh nhân.