a) Đái tháo đường típ 1 (do phá hủy tế bào beta tụy, dẫn đến thiếu insulin tuyệt đối).
b) Đái tháo đường típ 2 (do giảm chức năng của tế bào beta tụy tiến triển trên nền tảng đề kháng insulin).
c) Đái tháo đường thai kỳ (là ĐTĐ được chẩn đoán trong 3 tháng giữa hoặc 3 tháng cuối của thai kỳ và không có bằng chứng về ĐTĐ típ 1, típ 2 trước đó).
d) Thể bệnh chuyên biệt của ĐTĐ do các nguyên nhân khác, như ĐTĐ sơ sinh hoặc ĐTĐ do sử dụng thuốc và hoá chất như sử dụng glucocorticoid, điều trị HIV/AIDS hoặc sau cấy ghép mô…
Phân biệt đái tháo đường typ 1 và typ 2
Đặc điểm | Đái tháo đường typ 1 | Đái tháo đường typ 2 |
---|---|---|
Tuổi xuất hiện | Trẻ, thanh thiếu niên | Tuổi trưởng thành |
Khởi phát | Các triệu chứng rầm rộ | Chậm, thường không rõ triệu chứng |
Biểu hiện lâm sàng | Sút cân nhanh chóng. Đái nhiều. Uống nhiều | Bệnh diễn tiến âm ỉ, ít triệu chứng Thể trạng béo, thừa cân Tiền sử gia đình có người mắc bệnh đái tháo đường típ 2. Đặc tính dân tộc, có tỷ lệ mắc bệnh cao. Dấu gai đen (Acanthosis nigricans) Hội chứng buồng trứng đa nang |
Nhiễm ceton, tăng ceton trong máu, nước tiểu | Dương tính | Thường không có |
C-peptid | Thấp/không đo được | Bình thường hoặc tăng |
Kháng thể: Kháng đảo tụy (ICA) Kháng Glutamic acid decarboxylase 65 (GAD 65) Kháng Insulin (IAA) Kháng Tyrosine phosphatase (IA-2) Kháng Zinc Transporter 8 (ZnT8) | Dương tính | Âm tính |
Điều trị | Bắt buộc dùng insulin | Thay đổi lối sống, thuốc viên và/hoặc insulin |
Cùng hiện diện với với bệnh tự miễn khác | Có | Hiếm |
Các bệnh lý đi kèm lúc mới chẩn đoán: tăng huyết áp, rối loạn chuyển hóa lipid, béo phì | Không có Nếu có, phải tìm các bệnh lý khác đồng mắc | Thường gặp, nhất là hội chứng chuyển hóa |
Chú thích: bảng trên chỉ có tính tham khảo, có nhiều thể bệnh trùng lấp giữa các đặc điểm. Khi biểu hiện bệnh lý không rõ ràng, cần theo dõi một thời gian để phân loại đúng bệnh. Điều trị chủ yếu dựa trên bệnh cảnh lâm sàng của bệnh nhân để quyết định có cần dùng ngay insulin hay không.
Tiêu chuẩn để làm xét nghiệm chẩn đoán đái tháo đường hoặc tiền đái tháo đường ở người không có triệu chứng ĐTĐ:
Người lớn có BMI ≥ 23 kg/m2 , hoặc cân nặng lớn hơn 120% cân nặng lý tưởng và có một hoặc nhiều hơn một trong các yếu tố nguy cơ sau:
- Ít vận động thể lực
- Gia đình có người bị đái tháo đường ở thế hệ cận kề (bố, mẹ, anh chị em ruột)
- Tăng huyết áp (huyết áp tâm thu ≥ 140 mmHg và/hoặc huyết áp tâm trương ≥ 90 mmHg hay đang điều trị thuốc hạ huyết áp)
- Nồng độ HDL cholesterol < 35 mg/ (0,9 mmol/L) và/hoặc nồng độ triglyceride > 250 mg/dL (2,82 mmol/L)
- Vòng bụng to: ở nam ≥ 90 cm, ở nữ ≥ 80 cm
- Phụ nữ bị buồng trứng đa nang
- Phụ nữ đã mắc đái tháo đường thai kỳ
- HbA1c ≥ 5,7% (39 mmol/mol), rối loạn glucose huyết đói hay rối loạn dung nạp glucose ở lần xét nghiệm trước đó.
- Có các dấu hiệu đề kháng insulin trên lâm sàng (như béo phì, dấu gai đen…).
- Tiền sử có bệnh tim mạch do xơ vữa động mạch.
Ở bệnh nhân không có các dấu hiệu/triệu chứng trên, bắt đầu thực hiện xét nghiệm phát hiện sớm đái tháo đường ở người ≥ 45 tuổi.
Nếu kết quả xét nghiệm bình thường, nên lặp lại xét nghiệm sau mỗi 1- 3 năm. Có thể thực hiện xét nghiệm sớm hơn tùy thuộc vào kết quả xét nghiệm trước đó và yếu tố nguy cơ. Đối với người tiền đái tháo đường: thực hiện xét nghiệm hàng năm.