Phụ nữ mang thai và vaccine COVID-19: nên tiêm ngay hay trì hoãn?

Hiện chưa có nhiều dữ liệu về vaccine Covid-19 trên phụ nữ mang thai, khiến không ít người lúng túng. Cụ thể là khi đang mang thai hoặc có ý định mang thai có thể tiêm vaccine covid-19 được hay không? Hay cần trì hoãn việc này cho đến hết thai kỳ? Những thông tin dưới đây, bao gồm hướng dẫn tạm thời của Bộ Y tế và thông tin cho người dân, có thể giúp cho việc ra quyết định.

Tác giả: , ,

Cập nhật lần cuối lúc 07:35, 26/08/2021. Phản hồi về nội dung, liên hệ với chúng tôi tại đây

Nhiều nghiên cứu cho thấy thai phụ mắc Covid-19 có nguy cơ nhập viện, cần chăm sóc tích cực, thở máy và tử vong cao hơn so với những người không mang thai. Cụ thể cứ 10 người mang thai mắc Covid-19 sẽ có 1 người phải nhập viện và cứ 100 người mang thai lại có 1 người cần chăm sóc đặc biệt khi nhiễm covid-19. Đặc biệt trên các đối tượng có thêm các yếu tố nguy cơ như: tuổi mẹ cao, béo phì hay có các bệnh nền thì  nguy cơ tiến triển bệnh nặng sẽ cao hơn đáng kể [1]. 

Dữ liệu hệ thống giám sát an toàn vaccine Covid-19 của CDC cho thấy việc tiêm vaccine Covid-19 trong thời kỳ mang thai không gây ra rủi ro nghiêm trọng nào. Bên cạnh đó, cũng chưa có bất cứ bằng chứng nào cho thấy các loại vaccine Covid-19 gây ra các vấn đề về khả năng sinh sản [2] . Cùng điểm qua khuyến cáo của 2 hiệp hội Sản Phụ khoa Mỹ và Canada; 2 nước này hiện có tỷ lệ phủ vaccine Covid-19 lớn và ghi nhận nhiều dữ liệu có giá trị. 

Khuyến cáo của hiệp hội Sản Phụ khoa Hoa Kỳ (ACOG) và Canada (SOGC) [2,3]

  • ACOG  khuyến cáo rằng phụ nữ có thai nên được tiêm vaccine Covid-19
  • SOGC khuyến cáo rằng phụ nữ có thai nên tiêm vaccine bất kể ở 3 tháng nào của thai kỳ 
  • Phụ nữ dưới 50 tuổi, bao gồm đối tượng phụ nữ có thai có thể tiêm bất kỳ vaccine Covid-19 nào được FDA chấp thuận và sẵn có. Nhưng nếu họ dùng Janssen vaccine (hay AstraZeneca – ý kiến nhóm tác giả), họ cần biết về nguy cơ mắc hội chứng huyết khối giảm tiểu cầu hiếm gặp và rằng có những lựa chọn vaccine Covid-19 khác như mRNA vaccine được FDA chấp thuận
  • Cần tư vấn với bác sĩ lâm sàng nhưng điều này không bắt buộc trước khi tiêm vì có thể gây ra những rào cản không cần thiết với việc tiếp cận vaccine.

Tại Việt Nam, Bộ Y tế đã kịp thời ra Hướng dẫn tạm thời khám sàng lọc trước tiêm vaccine COVID-19[4]

  • Chống chỉ định với vaccine COVID-19 Sputnik V đối với phụ nữ có thai
  • Phụ nữ có thai dưới 13 tuần thuộc nhóm đối tượng trì hoãn tiêm chủng 
  • Phụ nữ có thai ≥ 13 tuần sau khi được giải thích nguy cơ-lợi ích, nếu đồng ý tiêm cần chuyển đến tiêm và theo dõi tại cơ sở y tế có khả năng cấp cứu sản khoa.

Lợi ích của việc tiêm vaccine [5]

Ở góc độ người dân, những thông tin chính thống dưới đây có thể dùng để trao đổi, bàn luận để ra quyết định. Bạn cần biết gì TRƯỚC khi quyết định tiêm vaccine Covid-19?

Bảo vệ thai phụ khỏi bệnh nặng

Vaccine covid-19 có ý nghĩa quan trọng (rất hiệu quả) trong việc bảo vệ thai phụ khỏi bệnh nặng. Nếu phụ nữ có thai nhiễm Covid-19 và đã hồi phục, họ vẫn có thể tái nhiễm. Vaccine được khuyến cáo để mang lại sự bảo vệ dài hạn.

Nhiều bằng chứng về an toàn

Ngày càng có nhiều bằng chứng về tính an toàn của vaccine trong thai kỳ. Kháng thể sinh ra sau chích vaccine ở mỗi thai phụ có thể truyền cho thai nhi và đảm bảo an toàn cho bé sau sinh.

image/svg+xml
Ngừa biến chứng cho mẹ và bé

Tiêm vaccine covid-19 có thể giúp ngăn ngừa các biến chứng hoặc các kết cục xấu cho cả mẹ và bé. Hầu hết phụ nữ có thai nhiễm Covid-19 ở thể nhẹ, tuy nhiên, thai phụ có nguy cơ cao mắc bệnh nặng cần nhập viện và chăm sóc ở khoa Hồi sức tích cực khi so sánh với những người không mang thai. Sinh non, mổ lấy thai và nhập khoa Hồi sức tích cực cho trẻ sơ sinh phổ biến hơn ở người mang thai nhiễm covid-19 thể nặng.

Những rủi ro khi tiêm vaccine là gì? [5,6]

Bên cạnh lợi ích, điều mọi người quan tâm hơn cả là rủi ro mà vaccine có thể gây ra. Các thử nghiệm lâm sàng đối với vaccine covid-19 không bao gồm đối tượng phụ nữ có thai

Cũng như các đối tượng bình thường khác, phụ nữ có thai cũng sẽ có thể gặp một số các dụng phụ. Tuy nhiên chúng nói chung là không nghiêm trọng và có thể tự biến mất

  • Các tác dụng phụ rất thường gặp (cứ 10 người tiêm sẽ có hơn 1 người gặp) như: đau tại chỗ tiêm, sốt, ớn lạnh, đau đầu, đau cơ…
  • Các tác dụng phụ thường gặp (cứ 100 người tiêm sẽ có từ 1-10 người gặp) như: sưng tấy chỗ tiêm, đau khớp, tiêu chảy…
  • Các tác dụng phụ không thường gặp (trong số 100 người tiêm có 1 người gặp): sưng hạch bạch huyết (Pfizer/BioNTech, AstraZeneca), buồn nôn hoặc nôn (Pfizer/BioNTech)…
  • Lưu ý: tần suất xuất hiện của các tác dụng phụ không giống nhau ở các loại vaccine. 

Thông tin hướng dẫn cần lưu ý đối với nhân viên y tế

Bản tóm tắt các điểm quan trọng khi tư vấn cho người dân hay phụ nữ mang thai về các lưu ý cần cân nhắc khi đưa ra quyết định tiêm vaccine COVID-19. Xem bản web bên dưới hoặc download bản pdf ở link sau.

ĐỂ ĐƯA RA QUYẾT ĐỊNH TIÊM VACCINE CẦN CÂN NHẮC NHỮNG GÌ
01

Cần đảm bảo chị có nhiều thông tin về COVID19 và thông tin về các loại vaccine

02

Tham khảo các thông tin bên dưới và suy nghĩ đến các nguy cơ nhiễm COVID19 và bệnh diễn tiến nặng do COVID19. Lưu ý đến vấn đề an toàn của bản thân và việc tiêm vaccine có giúp chị an toàn hơn? Rủi ro do vaccine gây ra cho chị có thể là gì?


Nếu chị CÓ NGUY CƠ CAO mắc COVID19 như sau thì nên được tiêm ngừa. Nguy cơ nhiễm COVID19 có thể cao hơn rủi ro do vaccine

Nguy cơ lây nhiễm COVID19 sẽ cao hơn nếu:

Sống trong một cộng đồng có nhiều ca COVID19 dương tính

Tiếp xúc thường xuyên với những người bên ngoài

Sống trong gia đình đông người

Có thành viên trong gia đình làm việc trong môi trường rủi ro cao (ví dụ: nhân viên y tế tuyến đầu hoặc nhân viên chăm sóc sức khỏe)

Nguy cơ bệnh nặng hơn do COVID19 trong thai kỳ nếu:

Có các vấn đề y tế như tiểu đường, tăng huyết áp trước thai kỳ, hệ thống miễn dịch bị tổn hại, có bệnh liên quan gan, thận, tim hoặc hen

BMI cao và có hút thuốc

Trên 35 tuổi hoặc đang ở ba tháng cuối thai kỳ

Nếu chị KHÔNG có các nguy cơ cao mắc COVID19 và có các yếu tố bên dưới, chị nên chờ thêm thông tin hoặc tham khảo ý kiến nhân viên y tế

  • Thường xuyên đeo khẩu trang khi giao tiếp
  • Tiêm vaccine dẫn đến lo lắng (lo lắng về những rủi ro khi tiêm vaccine hơn là về việc mắc Covid)
  • Cộng đồng trong khu vực sinh sống không có nhiều trường hợp mắc COVID-19
  • Chị và những người sống cùng luôn giữ khoảng cách với nhau

Việc quyết định tiêm vaccine có ý nghĩa rất lớn đối với toàn bộ chúng ta. Trong hoàn cảnh hiện nay, khi số ca ghi nhận liên tục tăng thì nguy cơ mắc covid-19 của mỗi người cũng sẽ tăng lên trong đó có cả đối tượng phụ nữ có thai. Tuân thủ theo hướng dẫn của Bộ Y tế đồng thời đánh giá nguy cơ nhiễm của bản thân cũng như nguy cơ – lợi ích của vaccine sẽ giúp mỗi người đưa ra quyết định cho mình.

Chia sẻ bài viết này