Vaccine cúm mùa: biện pháp dự phòng thứ phát biến cố tim mạch- thêm bằng chứng từ nghiên cứu IAMI

Trong một thập kỉ vừa qua, cúm không chỉ gây ra gánh nặng cho nền kinh tế mà còn cho hệ thống y tế - xã hội. CDC Hoa Kỳ ước tính hàng năm có 140 000-810 000 ca nhập viện và 12 000 – 61 000 ca tử vong do cúm tại Mỹ. Trên quần thể đã có bệnh tim mạch, cúm mùa có liên quan đến gia tăng các biến cố nghiêm trọng như đợt cấp suy tim, các đợt thiếu máu và cơn nhồi máu cơ tim; thậm chí tử vong.

Tác giả: ,

Cập nhật lần cuối lúc 07:37, 03/09/2021. Phản hồi về nội dung, liên hệ với chúng tôi tại đây

ACC/AHA đã khuyến cáo tiêm vaccine cúm bất hoạt như một liệu pháp dự phòng thứ phát bệnh nhân mắc bệnh mạch vành hoặc các tình trạng xơ vữa mạch máu (mức độ khuyến cáo: I, mức độ bằng chứng: B) nhưng không đề cập đến thời điểm tiêm. Hơn thế nữa, CDC Hoa Kỳ cũng đã đưa ra khuyến cáo tương tự cho thấy tầm quan trọng của vaccine cúm. Tuy nhiên, trong nhiều năm vẫn chứng kiến tỷ lệ lớn bệnh nhân với tiền sử tim mạch không dự phòng bằng vaccine cúm. Nghiên cứu IAMI; thử nghiệm pha 3 ngẫu nhiên hóa, mù đôi, đối chứng với giả được; không những giúp củng cố bằng chứng cho khuyến cáo trên mà còn cho thấy vaccine cúm nên được xem như liệu pháp điều trị nội trú thường quy sau nhập viện do nhồi máu cơ tim.

Dữ liệu được phân tích dựa trên phương pháp intention-to-treat, phù hợp trong các nghiên cứu có tính ứng dụng thực tiễn trên quần thể có nguy cơ tim mạch cao . Nguy cơ đánh giá dưới mức tác động của can thiệp cũng được giảm thiểu khi tỷ lệ “loss to follow-up” thấp (<5%). Dữ liệu chứng minh:  

  • Giảm được nguy cơ trên kết cục gộp (tử vong do mọi nguyên nhân, nhồi máu cơ tim và huyết khối trong stent được đánh giá sau 12 tháng theo dõi): nhóm vaccine có tỷ lệ mắc “biến cố” 5.3% so với 7.2% của nhóm giả dược (HR= 0.72; 95% CI: 0.52 – 0.99; p=0.040). Nguy cơ tuyệt đối quan sát được là nhỏ. Hiệu lực này tương đồng ở cả hai nhóm non-STEMI và STEMI.
  • Giảm 41% nguy cơ tử vong do tim mạch ở nhóm vaccine (2.7%) so với nhóm giả dược (4.5%) (p=0.014), tuy nhiên nhóm tiêm vaccine (2.0%) không cho thấy giảm nguy cơ nhồi máu cơ tim so với nhóm giả dược (2.4%) (p=0.57).
  • Các phản ứng nghiêm trọng hiếm gặp (tương đồng giữa 2 nhóm). 

Nghiên cứu được thực hiện trên 2.532 bệnh nhân nhập viện sau nhồi máu cơ tim (99,7%) hoặc bệnh mạch vành ổn định có nguy cơ cao (0.3%) với độ tuổi trung bình 60, đa phần nam giới (82%) và có tới 74.3% được chỉ định PCI, cho thấy quần thể nghiên cứu có nguy cơ tim mạch cao, là đối tượng rất dễ tổn thương. Tỷ lệ rất nhỏ bệnh nhân mắc bệnh mạch vành ổn định có thể là nguyên nhân dẫn đến không có biến cố xuất hiện trên đối tượng này trong nghiên cứu. Bệnh nhân được tiêm vaccine cúm hoặc giả dược trong vòng 72 giờ sau thực hiện PCI hoặc trong vòng 72 giờ sau nhập viện

Nghiên cứu được thực hiện trong 4 mùa cúm từ 2016-2020, ở cả 2 bán cầu giúp đánh giá được tác động dễ đột biến của virus cúm. Nhưng do ảnh hưởng của dịch Covid-19, nghiên cứu đã kết thúc trước dự định dẫn đến giảm cỡ mẫu so với ban đầu, làm giảm “statistical power”; do đó có thể không phát hiện được sự khác biệt giữa 2 nhóm trên 1 số kết cục . Kèm theo đó, 13.2% bệnh nhân từ nhóm placebo chuyển sang nhóm vaccine trong quá trình thực hiện nghiên cứu khiến tỷ lệ xảy ra biến cố ở 2 nhóm có thể bị thay đổi ; đặc biệt khi kết thúc nghiên cứu, tỷ lệ này chênh nhau không lớn giữa 2 nhóm. Chính điều đó có thể là nguyên nhân mà nhóm tiêm vaccine không cho thấy giảm nguy cơ nhồi máu cơ tim so với nhóm giả dược. Ngoài ra, với thời gian theo dõi 12 tháng, nghiên cứu cũng chỉ đánh giá được hiệu lực của vaccine trong 1 mùa cúm, để lại một dấu hỏi lớn về hiệu quả lâu dài

Chia sẻ bài viết này