Cách tiếp cận cộng đồng có e ngại về tiêm vaccine

Khi Covid-19 mới bắt đầu vào những tháng đầu năm 2020, các nhà nghiên cứu chạy đua để tìm ra cách điều trị triệu chứng cũng như phòng ngừa sự lây nhiễm của virus. Sau bao tháng trằn trọc, vaccine Covid-19 được phát triển và bắt đầu sử dụng vào cuối năm 2020. Nhiều bằng chứng nghiên cứu cho thấy vaccine Covid-19 giúp làm chậm sự lây nhiễm của virus trong cộng đồng, giảm nguy cơ chuyển bệnh nặng và tử vong, góp phần giúp chúng ta trở về bình thường mới.

Tác giả: ,

Cập nhật lần cuối lúc 18:52, 22/01/2022. Phản hồi về nội dung, liên hệ với chúng tôi tại đây

Mặc dù có nhiều bằng chứng về an toàn và hiệu quả của vaccine Covid-19, trong cộng đồng Việt Nam và thế giới vẫn còn nhiều người do dự về việc sử dụng vaccine. Tại Việt Nam, tỷ lệ người do dự về việc sử dụng vaccine không cao, nhưng vẫn có những quan ngại về việc tiêm vaccine cho đối tượng dưới 18 tuổi, những quan ngại này xuất phát từ các bậc phụ huynh về việc con họ sử dụng vaccine có ảnh hưởng đến sức khỏe sau này hay không. 

Tính đến đầu tháng 12/2021 thì có hơn 25% người trưởng thành ở Mỹ chưa tiêm đầy đủ vaccine chống lại Covid-19. Theo khảo sát của Morning Consult được thực hiện từ ngày 7-13 tháng 12, trong số 47.315 người trưởng thành ở Mỹ, 19% người được hỏi vẫn chưa muốn tiêm phòng và 9% không chắc chắn. (1) Hiện nay Mỹ đang đối mặt với vấn đề đó là dư vaccine nhưng người dân do dự hoặc từ chối sử dụng.

Trong báo chí và mạng xã hội, chúng ta vẫn còn thấy những cuộc tranh luận giữa hai bên tuyên truyền vaccine và do dự hoặc anti-vaccine. Tuy nhiên, những cuộc tranh cãi này thường không đưa đến một kết cục thay đổi lối suy nghĩ của người dân, mà chúng thường làm ý kiến của mỗi bên ngày càng mạnh mẽ hơn.

Vấn đề gặp phải là khi người dân thiếu đoàn kết thì virus Covid-19 vẫn hoành hành lây bệnh trong nhóm người không tiêm thuốc. Giống như câu nói “what doesn’t kill you make you stronger” (tạm dịch là “cái gì không giết bạn làm bạn mạnh mẽ hơn”), chúng ta đang phải đối đầu với một loài virus mạnh hơn khi không được kiểm soát. Việc từ chối sử dụng hoặc chậm trễ việc tiêm vaccine đã dẫn đến các hậu quả nghiêm trọng như: sự xuất hiện các biến chủng mới, sự bùng phát mạnh mẽ trở lại của các đợt dịch, và những người không có vaccine có tỷ lệ xuất hiện các triệu chứng nặng và tỷ lệ tử vong cao hơn.

Phần lớn những người do dự về vaccine không có ý định chính trị và không phản khoa học, họ chỉ đơn giản là chưa quyết định về lựa chọn tiêm của bản thân. Thay vì khiển trách, hãy cùng nhau tìm hiểu những lý do để người dân từ chối sử dụng vaccine: 

  • Quá trình thử lâm sàng quá nhanh làm họ cảm thấy không đủ an toàn
  • Không tin tưởng vào công ty sản xuất và chờ đợi một loại vaccine khác
  • Quá nhiều nguồn thông tin nên họ không biết tin ai và tin cái gì
  • Lối suy nghĩ “nếu tôi không tiêm thì cũng không ảnh hưởng đến người khác”
  • Lo lắng về tác dụng phụ có thể xảy ra với họ hơn là bị nhiễm bệnh
  • Không nghĩ đây là một căn bệnh nghiêm trọng hoặc đe dọa quá lớn đến họ
  • Sự không tin tưởng vào chính phủ bắt nguồn từ sự phân biệt đối xử trong hệ thống y tế giữa người da màu và da trắng 

Một điều đáng mừng là những người ban đầu do dự về vaccine Covid-19 đang dần thay đổi suy nghĩ. Bên cạnh nỗ lực của chính phủ trong việc khuyến khích tiêm vaccine, thậm chí bắt buộc trong một số trường hợp, ví dụ như người dân cần tiêm đầy đủ để đi lại bằng máy bay hoặc để đến nơi làm việc, chúng ta cần có cách tiếp cận và tuyên truyền để người dân an tâm và chủ động trong việc tiêm chủng. Vậy, chúng ta cần lưu ý những điều gì khi tuyên truyền về vaccine Covid-19?

Vaccine voices là 1 dự án của AAMC (Association of American Medical College) và CDC nhằm nâng cao sự tự tin đối với vaccine Covid-19 trong cộng đồng và nhân viên y tế. Một số “mẹo” được sử dụng để trao đổi với những người hoài nghi vaccine được đưa ra như sau:

  • Bắt đầu bằng việc lắng nghe
  • Tùy chỉnh cuộc đối thoại
  • Tập trung vào điểm có thể tạo sự thay đổi
  • Đừng dẫn dắt nỗi sợ hãi
  • Cá nhân hóa sự thuyết phục
  • Nhấn mạnh tính an toàn trên cả hiệu quả
  • Lặp lại nhiều lần

Phỏng vấn tạo động lực (Motivational interview) là một phương pháp dựa trên bằng chứng có xem xét đến sự nhạy cảm văn hóa để trao đổi với những người chưa được tiêm chủng về vaccine. Phương pháp này giúp quản lý cảm xúc và dần dần tiến đến thay đổi hành vi tích cực phù hợp với giá trị và nhu cầu của bệnh nhân.

Phỏng vấn tạo động lực khi trao đổi với bệnh nhân gồm các bước sau:

Bước 1: Thể hiện thái độ đồng cảm và hợp tác: 

  • Tỏ ra đồng cảm và thực sự quan tâm đến lý do bệnh nhân đang cảm nhận về những gì họ đang làm (do dự về việc tiêm vaccine)
  • Lưu ý đến vấn đề văn hóa, yếu tố gia đình và những hoàn cảnh khác có thể ảnh hưởng đến góc nhìn của bệnh nhân về vaccine
  • Tranh luận và tranh cãi không thực sự hữu ích, thậm chí có thể gây tác dụng ngược.

Bước 2: Hỏi ý kiến trước khi trao đổi về vaccine

  • “Nếu anh/chị đồng ý, chúng ta có thể trao đổi vài phút về vaccine Covid-19 và gia đình anh/chị được không?” 
  • Nếu bệnh nhân đồng ý, chuyển sang bước 3.
  • Nếu bệnh nhân không đồng ý, hãy tỏ ra tôn trọng và nói “Tôi tôn trọng điều đó, chúng ta có thể trao đổi vấn đề này trong những lần tiếp theo vì chúng tôi rất quan tâm đến sức khỏe chung của anh/chị và gia đình”. 
  • Nếu có thể, hãy dành vài phút để tìm hiểu xem tại sao bệnh nhân không muốn trao đổi về chủ đề này. Mục đích là để hiểu vấn đề, không phải để cố gắng thay đổi bệnh nhân
  • Nếu bệnh nhân có câu hỏi về hiệu quả, an toàn và nguy cơ của vaccine, chuyển sang bước 4.

Bước 3: Phỏng vấn tạo động lực

  • Hỏi bệnh nhân bằng câu hỏi mức độ. Ví dụ, với thang điểm 1 đến 10, khả năng bạn chích vaccine là bao nhiêu? (1= never; 10 = đã book lịch tiêm vaccine).
  • Nếu câu trả lời là 4, câu hỏi có thể là “ Tại sao lại là 4 mà không phải thấp hơn? Để bệnh nhân trả lời và câu hỏi tiếp theo có thể là “ Điều gì có thể giúp bạn tăng khả năng lên 5 hoặc 6?” 

Mục đích là để bệnh nhân trở nên cởi mở hơn với vaccine và cuối cùng là đồng ý sử dụng vaccine. 

Bước 4: Phản hồi các câu hỏi về vaccine, sức khỏe thể chất và sức khỏe tinh thần

  • Nếu bệnh nhân có câu hỏi về sự an toàn, nguy cơ, và hiệu quả của vaccine hoặc các vấn đề liên quan đến sức khỏe và sức khỏe tinh thần, hãy phản hồi trong phạm vi hành nghề, khả năng và đạo đức của mình.
  • Nếu bạn cảm thấy mình đủ khả năng trả lời các câu hỏi của bệnh nhân, hãy phản hồi với sự thấu cảm và cung cấp các thông tin khoa học, có thể dẫn bệnh nhân đến trang tin chính thức của cơ quan y tế. 
  • Nếu câu hỏi của bệnh nhân nằm ngoài khả năng phản hồi của mình, hãy đề nghị bệnh nhân trao đổi với chuyên gia y tế về sức khỏe và sức khỏe tinh thần.

Gần đây, khi vaccine Covid-19 được chính thức phê duyệt cho trẻ em từ 5 tuổi trở lên, sự do dự cũng được thể hiện từ các bậc phụ huynh vì các lý do trên và với tâm lý trẻ em ít bị nhiễm hơn người trưởng thành và nếu bị nhiễm thì tình trạng cũng nhẹ hơn. Việc đưa ra khuyến cáo mạnh mẽ rất quan trọng để bảo vệ sức khỏe của những đứa trẻ. 

Hãy sử dụng các nguồn tài liệu có thể giúp trả lời các câu hỏi của phụ huynh hoặc người giám hộ về Vaccine Covid-19 trong phạm vi hành nghề của mình.

Dưới đây là các trang có thể giúp bạn trả lời một số câu hỏi về vaccine covid-19:

Chia sẻ bài viết này