Tác giả: Đặng Hữu Đức
Cập nhật lần cuối lúc 23:48, 19/04/2022. Phản hồi về nội dung, liên hệ với chúng tôi tại đây
Hiện nay, molnupiravir đã được Việt Nam cấp phép khẩn cấp để đưa vào sử dụng cho các bệnh nhân như vậy, nhưng hiệu quả bảo vệ chưa cao như mong đợi. Tín hiệu đáng mừng tiếp theo khi Việt Nam đã được nhượng quyền sản xuất nội địa thuốc Paxlovid (nirmatrelvir/ritonavir) bởi Tổ chức bằng sáng chế thuốc thế giới, từ đó trong tương lai gần sẽ giúp đa dạng hóa thuốc điều trị Covid-19, góp phần vừa đảm bảo nhịp sống bình thường cho người dân và vừa giảm áp lực điều trị cho các cơ sở y tế. Như vậy, để Paxlovid trở thành công cụ hữu hiệu, yếu tố tiên quyết tiếp theo là người bệnh và nhân viên y tế cần hiểu đúng và đủ về loại thuốc này. Do đó, những thông tin dược điều trị sau chắc chắn sẽ mang đến cái nhìn cơ bản cũng như dễ hiểu đến với mọi người.
Paxlovid hoạt động trên cơ chế nào?
Paxlovid được đóng gói chứa 2 loại thuốc riêng biệt: nirmatrelvir và ritonavir. Nirmatrelvir gắn kết vào SARS-CoV-2 3CL protease và ức chế enzym quan trọng này của virus, khiến quá trình nhân lên của virus bị ngưng lại. Ritonavir không có tác dụng trên SARS-CoV-2; sự xuất hiện của ritonavir là nhằm mục đích giảm chuyển hóa của nirmatrelvir qua CYP3A (enzym ở gan khiến biến đổi thuốc thành dạng không có tác dụng), từ đó giúp tăng hiệu quả nirmatrelvir.
Paxlovid nên dành cho bệnh nhân nào?
Bệnh nhân 18 tuổi trở nên (Ở Mỹ còn cấp phép khẩn cấp cho sử dụng trên bệnh nhân từ 12 tuổi trở lên và cân nặng ít nhất 40 kg), nhiễm Covid thể nhẹ đến trung bình VÀ CÓ NGUY CƠ CAO tiến triển thành bệnh nặng. Những bệnh nhân này có thể chưa tiêm chủng đủ các liều Covid-19 vaccine.
Paxlovid nên được sử dụng ngay khi có chẩn đoán mắc Covid; không nên sử dụng khi đã cách hơn 5 ngày kể từ khởi phát triệu chứng và đã có kết quả xét nghiệm dương tính trước đó.
Nguy cơ tiến triển bệnh nặng dựa trên nghiên cứu EPIC-HR bao gồm:
Đái tháo đường, thừa cân (BMI >25), bệnh phổi mãn tính (hen suyễn, COPD…), bệnh thận mạn, hút thuốc, suy giảm miễn dịch do bệnh lý hoặc thuốc, tăng huyết áp, bệnh tim mạch, rối loạn phát triển thần kinh, ung thư, hoặc người từ 60 tuổi trở lên (bất kể có bệnh mắc kèm hay không)
Paxlovid KHÔNG NÊN xem xét kê toa cho bệnh nhân nào?
- Bệnh nhân quá mẫn với bất cứ thành phần nào trong thuốc.
- Bệnh nhân cần nhập viện vì Covid-19.
- Phòng ngừa tiền hay hậu phơi nhiễm SARS-CoV-2.
- Bệnh nhân đang sử dụng thuốc chuyển hóa nhiều qua CYP3A, với cửa sổ trị liệu hẹp hay thời gian bán thải dài (ví dụ: amiodarone).
- Quá 5 ngày sau khởi phát triệu chứng hay dùng thuốc quá 5 ngày liên tiếp.
Paxlovid hiệu quả ra sao?
Dựa trên kết quả tạm thời của nghiên cứu EPIC-HR – nghiên cứu pha 2 / 3, ngẫu nhiên hóa, mù đôi, có đối chứng với giả dược, Paxlovid giúp giảm 89% nguy cơ nhập viện hay tử vong (dữ liệu được tính sau thời gian theo dõi 28 ngày kể từ khi bệnh nhân dùng thuốc), trên nhóm bệnh nhân ngoại trú đủ điều kiện dùng thuốc.
Có thể nói tạm thời Paxlovid cho hiệu quả cao, nhưng cần thêm dữ liệu để kết luận mức độ hiệu quả cụ thể trên từng nhóm bệnh nhân đích là như thế nào.
Tính an toàn của Paxlovid?
Nhìn chung, tác dụng phụ của Paxlovid thường nhẹ, bao gồm rối loạn vị giác, buồn nôn/nôn, tiêu chảy, đau đầu,… (Kết quả này được dựa trên dữ liệu từ nghiên cứu EPIC-HR). Đáng lưu tâm hơn là khả năng tương tác của ritonavir, mà nếu không được kiểm soát, có thể dẫn đến hậu quả xấu.
Paxlovid vẫn cần được theo dõi để phát hiện kịp thời các tác dụng phụ khác (các tác dụng phụ ít gặp hoặc hiếm gặp nhưng mức độ ảnh hưởng trung bình hoặc nặng).
Tương tác thuốc nào đáng chú ý?
Nirmatrelvir và ritonavir đều gắn vào enzym CYP3A ở gan nhưng Nirmatrelvir bị enzym này chuyển hoa mạnh, trong khi đó ritonavir lại ức chế enzym CYP3A. Do đó,khi dùng cùng Nirmatrelvir/ ritonavir (Paxlovid):
- Những thuốc chuyển hóa qua enzyme này ở gan sẽ bị giảm thải trừ, từ đó tăng nguy cơ độc tính của chúng. VD: Ketoconazol, simvastatin, glucocorticoid dạng hít,..
- Những thuốc kích ứng enzyme này ở gan sẽ làm tăng lượng thuốc Paxlovid gắn trên enzyme và tăng chuyển hóa Nirmatrelvir; từ đó làm giảm hiệu quả ức chế virus của Paxlovid. VD: Carbamezapin, rifampicin,..
- Những thuốc ức chế enzym CYP3A có thể làm tăng đáng kể nồng độ Nirmatrelvir, từ đó tăng nguy cơ độc tính của Paxlovid.
Trên lâm sàng, những bệnh nhân có nguy cơ cao trở nặng khi mắc Covid-19 có thể đang sử dụng các thuốc có khả năng tương tác với ritonavir. Do đó cần có dược sĩ cho ý kiến chuyên môn về nên hay không nên khởi phát điều trị Paxlovid, tạm ngưng thuốc hay thay đổi thuốc đang dùng cũng như theo dõi độc tính, hiệu quả, an toàn của quá trình điều trị.
Thuốc dùng kèm | Tương tác | Giải thích tương tác | Khuyến cáo, cách xử trí |
---|---|---|---|
Thuốc đang dùng chuyển hoá qua CYP3A và có thời gian bán thải dài, hay có khoảng điều trị hẹp VD: Thuốc chống loạn nhịp tim (Amiodaron, Quinidine); thuốc điều trị ung thư( Neratinib, Venetoclax,..) | Không được dùng đồng thời dù bất kỳ trường hợp nào (Chống chỉ định) | Không dùng chung vì tăng nguy cơ độc tính nghiêm trọng của thuốc dùng kèm. Ngưng thuốc ngay trước khi khởi trị Paxlovid cũng không làm giảm nhẹ tương tác | Sử dụng thuốc điều trị Covid khácKhông dùng Paxlovid |
Thuốc đang dùng hay dùng trong vòng 28 ngày trước đó, có cảm ứng mạnh CYP3A VD: Thuốc chống động kinh (Carbamezapin, phenobarbital,…); 1 số thuốc điều trị ung thư, rifamycin,.. | Không được dùng đồng thời dù bất kỳ trường hợp nào (Chống chỉ định) | Không dùng chung vì làm giảm tác dụng của Paxlovid. Ngưng thuốc ngay trước khi khởi trị Paxlovid cũng không làm giảm nhẹ tương tác | Sử dụng thuốc điều trị Covid khácKhông dùng Paxlovid |
Thuốc đang dùng chuyển hóa nhiều qua CYP3A, bị Paxlovid làm tăng đáng kể nồng độ thuốc trong máuVD: Alfuzozin, Ergotamin, Midazolam, Simvastatin, Ticagrelor, Triazolam,… | Không được dùng đồng thời dù bất kỳ trường hợp nào (Chống chỉ định) | Không dùng chung vì tăng nguy cơ độc tính nghiêm trọng. Chỉ sử dụng Paxlovid nếu thuốc đang dùng có thể được thay thế hay tạm ngưng được. | Tạm ngưng sử dụng hoặc thay thế thuốc đang dùng trước khi khởi trị Paxlovid. Bắt đầu lại thuốc đó sau 2 ngày kể từ khi dừng Paxlovid |
Thuốc đang dùng chuyển hóa ít qua CYP3A, bị Paxlovid làm tăng nồng độ thuốc trong máuVD: Atorvastatin, Clopidogrel, Nifedipin, Nicardipin, paliperidone, tacrolimus, tramadol, apixaban, diazepam, verapamil, Warfarin,.. | Nghiêm trọng | Cố gắng tránh dùng chung vì tăng nguy cơ độc tính nghiêm trọng.Tốt nhất chỉ khởi trị với Paxlovid nếu đánh giá cụ thể tình huống về lợi ích/nguy cơ hoặc thuốc đang dùng có thể được thay thế. Một số trường hợp, chỉ cần điều chỉnh liều hoặc thay đổi khoảng đưa liều thuốc đang dùng. | Tạm ngưng hoặc thay thế, thay đổi liều thuốc đang dùng nếu có thể. Tham khảo thêm ý kiến bác sĩ hoặc dược sĩ |
Liều dùng của Paxlovid?
- Nirmatrelvir 300mg (2 viên 150mg) uống CÙNG LÚC với 1 viên ritonavir 100mg, ngày 2 lần – mỗi 12 giờ, trong 5 ngày liên tục. Có thể uống lúc đói hay sau khi ăn đều được.
- Chỉnh liều khi suy thận:
- Suy thận mức độ trung bình (eGFR = 30-59 mL/min): nirmatrelvir 150mg (1 viên 150 mg) uống CÙNG LÚC với 1 viên ritonavir 100mg, ngày 2 lần – mỗi 12 giờ trong 5 ngày liên tục
- Suy thận mức độ nặng (eGFR < 30mL/min): không dùng Paxlovid.
- Suy gan nặng (Child-Pugh Class C): không dùng Paxlovid
Paxlovid và sức khỏe sinh sản:
- Phụ nữ có thai nên tránh sử dụng Paxlovid. Phụ nữ đang trong độ tuổi sinh sản nên sử dụng các biện pháp tránh thai (nếu đang sử dụng thuốc tránh thai hormone, nên sử dụng biện pháp thay thế khác) trong suốt thời gian dùng thuốc và cho tới tận kết thúc một chu kỳ kinh nguyệt (kể từ khi dừng thuốc)
- Phụ nữ nên tránh cho con bú trong suốt thời gian dùng thuốc và trong vòng 7 ngày kể từ khi dừng thuốc.
Paxlovid và thuốc điều trị HIV:
Bệnh nhân đang điều trị HIV bằng thuốc ritonavir hoặc cobicistat nên tiếp tục hoàn thành phác đồ và không cần điều chỉnh liều trong khi vẫn có thể dùng Paxlovid.