Tác giả: CN. Phạm Thị Quỳnh HươngvàVũ Ngọc Linh Chi
Cập nhật lần cuối lúc 22:10, 28/12/2021. Phản hồi về nội dung, liên hệ với chúng tôi tại đây
Một nghiên cứu nhỏ tại Nam Phi bao gồm 7 người cho thấy chủng Omicron có thể gây bệnh ngay cả cho những người đã tiêm vaccine tăng cường, điều này dẫn dắt chúng ta suy nghĩ thêm về hiệu quả của vaccine. Ông Wolfgang Preiser, một nhà virus học và cũng là đồng tác giả của nghiên cứu, cho biết: “Nghiên cứu cho thấy nhiễm trùng có thể xảy ra và gây triệu chứng ngay cả khi người bệnh đã tiêm liều tăng cường.”
Theo Cơ quan An ninh Y tế Anh, một nghiên cứu thực tế lớn hơn gồm 581 người ở Anh cho thấy vaccine tăng cường giúp khôi phục đáng kể khả năng chống lại bệnh ở mức độ nhẹ do biến thể Omicron gây ra. Các chuyên gia y tế cho rằng việc tiêm vaccine vẫn là một công cụ quan trọng nhằm chống lại Covid-19.
Một nghiên cứu ước tính hiệu quả của vaccine (vaccine effectiveness – VE) chống lại triệu chứng Covid-19 với các biến thể Omicron so với các biến thể Delta đã được thực hiện ở Anh, với thiết kế kiểm soát các ca bệnh xét nghiệm âm tính. Các tỷ lệ tiêm chủng ở những trường hợp xét nghiệm PCR dương tính có triệu chứng được so sánh với tỷ lệ tiêm chủng ở người có xét nghiệm SARS-CoV-2 âm tính. VE được tính sau khi chủng ngừa sơ cấp với hai liều BNT162b2 hoặc ChAdOx1, và ở thời điểm 2 tuần trở đi sau khi tiêm nhắc lại BNT162b2.
Hình 1.1– Hiệu quả của vaccine (VE) đối với chủng Omicron so với Delta theo thời gian (tuần) từ nghiên cứu của Andrews và cộng sự
Đối với chủng Omicron (hình vuông đen trên biểu đồ), kết quả VE cho thấy hai liều ChAdOx1 không có tác dụng chống lại Omicron từ tuần thứ 15 trở đi, trong khi VE sau hai liều BNT162b2 là 88,0% (95% CI: 65,9 đến 95,8%) giảm xuống 34 và 37% 2-9 tuần sau liều thứ hai. Từ hai tuần sau khi tiêm tăng cường BNT162b2, VE tăng lên 71,4% (CI 95%: 41,8 đến 86,0%) đối với người nhận liệu trình hai liều ChAdOx1 và 75,5% (CI 95%: 56,1 đến 86,3%) đối với người nhận liệu trình hai liều BNT162b2.
Đối với các trường hợp nhiễm chủng Delta (hình vuông trắng trên biểu đồ), VE là 41,8% (CI 95%: 39,4-44,1%) từ 25 tuần sau hai liều ChAdOx1, tăng lên 93,8% (CI 95%: 93,2-94,3%) sau khi tăng cường BNT162b2. Với liệu trình chính BNT162b2, VE là 63,5% (CI 95%: 61,4 đến 65,5%) 25+ tuần sau liều 2, tăng lên 92,6% (CI 95%: 92,0-93,1%) hai tuần sau khi tiêm nhắc lại.
Chủng ngừa sơ cấp với hai liều BNT162b2 hoặc ChAdOx1 không cung cấp hoặc hạn chế khả năng chống lại bệnh có triệu chứng với biến thể Omicron. Tiêm BNT162b2 tăng cường sau một trong hai liệu trình hai liều giúp tăng khả năng bảo vệ đáng kể.
Một nghiên cứu khác về hiệu quả của vaccine mRNA-1273 bởi Doria-Rose và cộng sự cho thấy, liều tăng cường 50 µg của vaccine mRNA-1273 làm tăng hiệu giá trung hòa Omicron và có thể làm giảm đáng kể nguy cơ nhiễm trùng đột phá vaccine có triệu chứng.
Hình 1.2 Lượng kháng thể trung hòa virus sống D614G, Beta và Omicron bằng mẫu huyết thanh lấy từ người nhận vaccine Moderna mRNA-1273.
Nghiên cứu này cho thấy hiệu giá trung hòa đối với Omicron thấp hơn 41-84 lần so với hiệu giá trung hòa đối với D614G sau 2 liều mRNA-1273, điều này có thể dẫn đến tăng nguy cơ nhiễm trùng đột phá có triệu chứng. Tuy nhiên, một liều tăng cường mRNA-1273 làm tăng hiệu giá trung hòa Omicron và có thể làm giảm đáng kể nguy cơ này.
Kết luận
Mặc dù chúng ta vẫn chưa biết nhiều về biến thể Omicron vì giới hạn về thời gian, và các nghiên cứu gần đây cho thấy sự suy giảm hiệu quả của vaccine Covid-19. Tuy nhiên, nhiều bằng chứng cho thấy việc tiêm mũi vaccine Covid-19 tăng cường vẫn có hiệu quả phòng ngừa nhập viện, chống lại bệnh nhẹ, và có thể ngăn bệnh chuyển biến nặng và tử vong. Để cân nhắc về lợi ích và nguy cơ, việc tiêm vaccine chủng ngừa Covid-19 tăng cường vẫn nên được khuyến khích để đạt mức kháng thể cao hơn đối với chủng Omicron mới này.