Tác giả: Minh ChâuvàDS. Nguyễn Công Thành
Cập nhật lần cuối lúc 11:18, 14/12/2021. Phản hồi về nội dung, liên hệ với chúng tôi tại đây
Một nghiên cứu đoàn hệ tiến cứu (prospective cohort study) được thực hiện bởi Yuan Zhang và cộng sự đăng tải trên tạp chí PLOS Medicine với mục đích kiểm tra sự ảnh hưởng của việc sử dụng trà và cà phê đối với nguy cơ phát triển đột quỵ và sa sút trí tuệ. Nghiên cứu có 365.682 người tham gia với độ tuổi từ 50 đến 74 trong khoảng thời gian từ năm 2006 đến 2010 và được quan sát đến năm 2020. Sử dụng mô hình nguy cơ theo tỷ lệ Cox để ước tính mối liên hệ giữa nguy cơ đột quỵ, sa sút trí tuệ với việc tiêu thụ cà phê / trà dựa trên điều chỉnh theo giới tính, tuổi, dân tộc, trình độ, thu nhập, BMI…
Các kết quả cho thấy, so với những người không uống trà và cà phê, những người uống từ 2-3 tách cà phê hoặc trà mỗi ngày giúp giảm hơn 32% nguy cơ đột quỵ (HR 0,68, 95% CI, 0,59-0,79; P <0,001) và giảm 28% nguy cơ sa sút trí tuệ (HR, 0,72, 95% CI, 0,59 đến 0,89; P = 0,002). Bên cạnh đó, việc kết hợp giữa trà và cà phê có liên quan đến việc giảm nguy cơ sa sút trí tuệ sau đột quỵ, với nguy cơ sa sút trí tuệ sau đột quỵ thấp nhất ở mức sử dụng hàng ngày từ 3-6 tách cà phê và trà (HR, 0,52, 95% CI, 0,32 đến 0,83; P = 0,007). Từ các kết quả trên, tác giả đã kết luận rằng việc uống cà phê và trà (riêng lẻ hoặc kết hợp) có liên quan đến việc giảm nguy cơ đột quỵ, sa sút trí tuệ và sa sút trí tuệ sau đột quỵ.
Nghiên cứu này đã giúp chúng ta có cái nhìn khái quát về tác dụng của trà và cà phê đặc biệt là khi sử dụng thường xuyên. Tuy nhiên, việc đánh giá về tần suất sử dụng hợp lý hàng ngày như 2-3 tách cà phê/ trà hoặc khi kết hợp cả 2 từ 3-6 tách/ngày có thể chưa sát với thực tế khi lượng sử dụng chỉ được báo cáo ở đầu nghiên cứu. Trong quá trình quan sát lâu dài (10 năm quan sát) tần suất sử dụng có thể thay đổi. Bên cạnh đó, các đối tượng tham gia nghiên cứu từ biobank của vương quốc Anh có thể không đại diện hết cho toàn bộ dân số thế giới.
Ở một nghiên cứu khác được thực hiện bởi Yoshihiro Kokubo và cộng sự, đã tiến hành đánh giá mối liên hệ giữa việc tiêu thụ trà và cà phê với tỷ lệ đột quỵ tại Nhật Bản. Nghiên cứu được thực hiện trên 82 369 người trong độ tuổi từ 45-75 và được theo dõi trong 13 năm.
Các kết quả cho thấy, So với nhóm ít khi uống trà xanh, HR điều chỉnh đa biến (multivariable-adjusted hazard ratios) của tất cả các lần đột quỵ ở nhóm sử dụng 2-3 tách/ ngày và nhóm ≥ 4 tách / ngày lần lượt là 0,86 (0,78-0,95) và 0,80 (0,73-0,89). So với nhóm hiếm khi uống cà phê, HR điều chỉnh đa biến của tất cả các lần đột quỵ ở nhóm sử dụng 3-6 tách/ tuần, 1 lần/ ngày và ≥ 2 lần / ngày lần lượt là 0,89 (0,80-0,99), 0,80 (0,72-0,90) và 0,81 (0,72-0,91). Việc tiêu thụ cà phê và/hoặc trà có liên quan đến nguy cơ nghịch đảo bệnh tim mạch và đột quỵ.
Từ kết quả của 2 nghiên cứu trên, có thể nhận thấy tác động của trà và cà phê khi sử dụng trong thời gian dài không những không ảnh hưởng tiêu cực tới sức khoẻ ngược lại lại có tác dụng tích cực trong phòng ngừa các nguy cơ về đột quỵ,sa sút trí tuệ hay các bệnh về tim mạch.