Điểm tin: EMA/FDA phê duyệt chỉ định mới cho dapagliflozin và các cập nhật khác

FDA và EMA đã chấp thuận sử dụng Dapagliflozin trong điều trị Suy thận mạn ở bệnh nhân chưa mắc đái tháo đường. Lưu ý về biến chứng viêm cơ tiêm sau tiêm vaccine phòng covid và tiềm năng của thuốc sinh học trong bệnh viêm mũi xoang mạn tính

Tác giả:

Cập nhật lần cuối lúc 01:05, 13/08/2021. Phản hồi về nội dung, liên hệ với chúng tôi tại đây

Chấp thuận chỉ định mới của Dapagliflozin 

FDA và EMA đã chấp thuận sử dụng Dapagliflozin trong điều trị Suy thận mạn ở bệnh nhân chưa mắc đái tháo đường. Dữ liệu của thử nghiệm lâm sàng DAPA-CKD pha 3 gồm 4300 bệnh nhân có eGFR = 25-75 ml/min, ACR = 200-5000, ⅔ mắc đái tháo đường typ 2 đã chứng minh: 

  • Trì hoãn được tiến triển của suy thận: Xét trên kết cục gộp (giảm eGFR >= 50%, khởi phát suy thận mạn giai đoạn cuối hoặc tử vong do nguyên nhân liên quan đến thận hoặc tim mạch): nhóm dapagliflozin có tỷ lệ mắc “biến cố” 9.2% so với 14.5% của nhóm giả dược, HR = 0.61; 95% CI: 0.51-0.72 (p<0.001).
  • Giảm được nguy cơ tử vong: Xét trên kết cục (Giảm tử vong vì bất kỳ nguyên nhân nào): Dapagliflozin (4.7%) so với giả dược (6.8%) với HR = 0.69; 95% CI: 0.53-0.88 (p=0.004).
  • Dữ liệu an toàn: Nguy cơ các phản ứng phụ, đặc biệt các phản ứng nghiêm trọng tương đồng giữa hai nhóm. Tỷ lệ của bất kỳ biến cố nghiêm trọng nào ở nhóm dapagliflozin là 29.5% so với 33.9% ở nhóm giả dược (p=0.002).

Hiện nay Dapagliflozin nằm trong nhóm kiểm soát đường huyết, được chi trả 70% bởi bảo hiểm y tế Việt Nam.

Tham khảo

  • Mitchel L. Zoler (2021), EU Approves Dapagliflozin for Kidney Disease, Regardless of Diabetes, Medscape
  • Heerspink et al (2020), Dapagliflozin in Patients with Chronic Kidney Disease. New England Journal of Medicine 383, 1436–1446
  • Bộ Y tế (2018), Thông tư 30/2018/TT-BYT

Biến chứng viêm cơ tim sau tiêm vaccine phòng Covid-19

Viêm cơ tim là một biến chứng hiếm gặp mà thanh thiếu niên có thể mắc sau khi tiêm vaccine Covid một thời gian ngắn. Báo cáo chuỗi ca gồm 15 bệnh nhân (từ 12-18 tuổi) đều được tiêm vaccine BNT162b2 cho thấy: triệu chứng đều nhẹ, nằm viện từ 1-5 ngày và 14/15 có kết quả siêu âm tim bình thường sau từ 1-13 ngày xuất viện. Tuy nhiên, để kết luận chính xác nguy cơ, đặc biệt là dài hạn, cần phải theo dõi và nghiên cứu thêm.

Tham khảo

  • Megan Brooks (2021), Myocarditis in Adolescents After COVID-19 Vaccine Typically Mild, Medscape
  • Dionne et al (2021), Association of Myocarditis With BNT162b2 Messenger RNA COVID-19 Vaccine in a Case Series of Children, JAMA Cardiology

Tiềm năng của thuốc sinh học trong bệnh viêm mũi xoang mạn tính

Dữ liệu hồi cứu của Mayo Clinic trên 247 bệnh nhân mắc hen phế quản, viêm mũi xoang mạn tính (có hoặc không polyp mũi) sau ít nhất 12 tháng theo dõi cho thấy điều trị với thuốc kháng interleukin-5 (mepolizumab, benralizumab, hoặc reslizumab) giúp:

  • Cải thiện đáng kể điểm Lund-Mackay CT khi phân tích riêng từng nhóm có hoặc không polyp mũi.   
  • Cải thiện đáng kể điểm SNOT-22 khi xét chung, hay xét riêng nhóm có polyp mũi. 

Như vậy các thuốc kháng interleukin có thể có lợi ích trên bệnh nhân viêm mũi xoang mạn tính có hoặc không có polyp mũi, đồng thời gợi mở một ý tưởng: phân loại bệnh sinh dựa trên cơ chế bệnh sinh, từ đó xác định chính xác bệnh nhân được hưởng lợi từ thuốc. Tuy nhiên, cần thêm nghiên cứu tốt hơn để có kết luận cuối cùng.

Tham khảo

  • Jeff Craven (2021), Biologics for Asthma Also Improve Chronic Rhinosinusitis, Medscape
Chia sẻ bài viết này