Tác giả: DS. Nguyễn Công Thành, Đỗ Khánh Linh, Lương Chí Cường, Huỳnh Trần Phương Uyên, Đặng Hữu ĐứcvàBSc. Tuyen Nguyen
Cập nhật lần cuối lúc 15:04, 04/09/2021. Phản hồi về nội dung, liên hệ với chúng tôi tại đây
Biến thể delta (B.1.617.2) có khả năng lây nhiễm cao hơn từ 40-60% so với biến thể alpha và gần như là gấp đôi so với chủng gốc phát hiện tại Vũ Hán. Báo cáo từ một nghiên cứu tại Trung Quốc cho thấy tải lượng virus ở những case nhiễm delta cao hơn ~ 1.000 lần so với các biến thể khác. WHO cũng cho biết delta là biến thể “nhanh nhất và khoẻ nhất” cho đến thời điểm hiện tại. Một số dữ liệu cho thấy biến thể delta có thể làm tăng tính nghiêm trọng của bệnh hơn so với các chủng trước đó. Kết quả tới từ hai nghiên cứu khác nhau ở Canada và Scotland cũng cho thấy bệnh nhân bị nhiễm biến thể delta có khả năng nhập viện cao hơn so với alpha hoặc chủng gốc.
Mặc dù ở những người đã được tiêm vaccine đầy đủ có thể xuất hiện các ca nhiễm đột phá (breakthrough infection) với biến thể delta và có khả năng lây nhiễm cho người khác. Tuy nhiên, trường hợp này ít hơn nhiều so với các case nhiễm ở những người chưa được tiêm vaccine. Một điều đáng chú ý ở biến thể delta là những ca nhiễm đột phá trên đối tượng đã tiêm vaccine đầy đủ có lượng virus cao trong cơ thể tương tự như người chưa tiêm vaccine mắc biến thể delta. Trong khi đó, ở những biến thể trước đây nhóm đã tiêm vaccine đầy đủ nhưng mắc covid-19 có lượng virus trong cơ thể thấp hơn so với nhóm chưa được tiêm vaccine. Tuy nhiên tương tự như các biến thể khác, lượng virus được tạo ra do nhiễm biến thể delta ở đối tượng tiêm vaccine đầy đủ giảm nhanh hơn so với những người bị nhiễm mà chưa được tiêm vaccine. Điều này có nghĩa là những người đã tiêm vaccine đầy đủ nhưng mắc biến thể delta sẽ có thời gian lây nhiễm ngắn hơn
Liệu rằng vaccine có thể duy trì khả năng bảo vệ trước biến thể delta?
Vào ngày 30 tháng 7 năm 2021 trong một báo cáo của CDC Hoa Kỳ về sự bùng phát của SARS-COV-2 liên quan đến các cuộc tụ tập đông người tại Massachusetts đã cho thấy trong số 469 trường hợp ghi nhiễm thì có đến 74% (346 case) là trường hợp nhiễm trùng đột phá ở những người đã tiêm đầy đủ 2 liều vaccine Pfizer/Moderna hoặc 1 liều vaccine J&J ≥14 ngày trước đó và có 79% (274 case) các case nhiễm đột phá là có triệu chứng. Khi giải trình tự gen từ mẫu bệnh phẩm của 133 bệnh nhân cho thấy có 90% trường hợp là do biến thể delta gây ra ( B.1.617.2 và AY.3) [6]. Điều này đã khiến CDC Hoa Kỳ phải đưa ra khuyến nghị về việc đeo khẩu trang tại nơi công cộng trong phòng kín. Mặt khác, nó cũng đặt ra nhiều câu hỏi về việc liệu rằng các loại vaccine hiện nay có thể bảo vệ chúng ta trước biến thể delta không ?
Kết qua tới từ một số nghiên cứu dưới đây đã đưa ra cái nhìn sơ bộ về ảnh hưởng của biến thể delta lên hiệu quả bảo vệ của các loại vaccine.
- Nghiên cứu được công bố trên tạp chí y học New England đã kiểm tra hoạt động trung hoà huyết thanh từ những người đã hồi phục sau khi nhiễm SARS-COV-2 và huyết thanh từ những người đã được tiêm đầy đủ 2 liều vaccine Moderna hoặc Pfizer để chống lại biến thể delta. Kết quả cho thấy biến thể delta ít nhạy với trung hoà hơn 2,9 lần so với biến thể WA1/2020 (nCoV/USA_WA1/2020; spike 614D). Tuy nhiên, hầu hết (96%) các mẫu huyết thanh dưỡng bệnh (convalescent serum) và toàn bộ huyết thanh từ người đã tiêm vaccine đều cho thấy hoạt tính trung hoà có thể phát hiện được trong vòng 3 tháng sau khi nhiễm bệnh hoặc sau liều vaccine thứ 2. Do đó, các tác giả đã kết luận rằng khả năng miễn dịch bảo vệ do vaccine mRNA tạo ra có thể được giữ lại để chống biến thể delta.
- Ở một nghiên cứu khác được công bố trên tạp chí Nature đã đánh giá độ nhạy của delta với kháng thể đơn dòng, huyết thanh dưỡng bệnh và huyết thanh ở những người đã tiêm vaccine. Kết quả chỉ ra rằng một số kháng thể nhắm vào vùng N-terminal và miền liên kết với thụ thể (RBD) của protein S cho thấy khả năng gắn kết và trung hoà ở biến thể delta bị suy giảm. Bên cạnh đó, huyết thanh dưỡng bệnh từ người đã hồi phục được thu thập sau 12 tháng từ khi nhiễm SARS-COV-2 cho thấy hiệu quả đối với delta thấp hơn 4 lần so với alpha. Trong khi đó, huyết thanh của những người đã được tiêm chủng 1 phần (1 liều vaccine Pfizer hoặc AstraZeneca) có tác dụng ức chế hầu như không rõ ràng trên biến thể delta. Mặt khác, huyết thanh của 95% người đã tiêm đủ 2 liều vaccine cho khả năng trung hoà có hiệu lực chống lại delta thấp hơn từ 3-5 lần so với biến thể alpha.
- Nghiên cứu bệnh chứng âm tính (Test-negative case-control design) được thiết kế: Trên quần thể có triệu chứng tiến hành xác định tỷ lệ nhiễm biến thể delta/ alpha; dựa trên dữ liệu tiêm chủng quốc gia để xác định bệnh nhân đã nhận đã tiêm 1 trong 2 loại vaccine là BNT162b2 hay ChAdOx1 nCoV-19. Nghiên cứu không những giúp ước tính hiệu lực của việc tiêm vaccine nhằm chống lại bệnh có triệu chứng do biến thể delta gây ra so với biến thể Alpha, mà còn ước tính tỷ lệ các trường hợp mắc một trong hai biến thể, tùy theo tình trạng tiêm chủng của bệnh nhân. Kết quả cho thấy sau liều thứ nhất của 1 trong 2 loại trên, hiệu lực thấp hơn đáng kể ở người mắc biến thể delta (30%) so với biến thể alpha (48,7 %). Trong khi đó, khi tiêm đủ 2 liều, hiệu lực của vaccine với biến thể delta chỉ giảm nhẹ (79.6%) so với biến thể alpha là 87.5%. Nhưng, vaccine BNT162b2 cho hiệu quả với biến thể delta cao hơn (88%) so với ChAdOx1 nCoV-19 chỉ là 67 %.
- Kết quả tới từ một nghiên cứu nghiên đoàn hệ, đa trung tâm chưa qua bình duyệt cũng cho thấy các loại vaccine mRNA có hiệu quả trong việc ngăn ngừa covid-19 có triệu chứng và bệnh nặng khi nhiễm biến thể delta.
Từ các kết quả trên cho thấy đối với biến thể delta, hiệu quả của các loại vaccine có thể thấp hơn so với các biến thể trước đây. Tuy nhiên, việc tiêm đầy đủ hai liều vaccine vẫn là cách hiệu quả nhất để bảo vệ chúng ta trước loại biến thể nguy hiểm này. Bên cạnh đó, tuân thủ các nguyên tắc phòng chống dịch vẫn là phương pháp bảo vệ bản thân cần thiết nhất lúc này.