Tác giả: Đỗ Khánh LinhvàĐặng Hữu Đức
Cập nhật lần cuối lúc 22:29, 08/09/2021. Phản hồi về nội dung, liên hệ với chúng tôi tại đây
Đại dịch COVID-19 như chất xúc tác mạnh thúc đẩy bệnh lý tâm thần diễn ra nhanh hơn, trầm trọng hơn khi giãn cách xã hội kéo dài, tiếp nhận thông tin tiêu cực tăng; đặc biệt trên bệnh nhân tâm thần phân liệt. Ngoài ra, người mắc tâm thần phân liệt có liên quan đến nguy cơ mắc và thất bại điều trị COVID-19 cao hơn, bao gồm cả tử vong.
Tâm thần phân liệt là gì?
Tâm thần phân liệt là rối loạn tâm thần mạn tính và nghiêm trọng ảnh hưởng đến khoảng 20 triệu người trên toàn thế giới, được WHO đánh giá là một trong 10 bệnh gây ra gánh nặng bệnh tật toàn cầu cũng như là một trong 15 nguyên nhân hàng đầu dẫn đến khuyết tật trên toàn thế giới. Ước tính hàng năm, tỷ suất mới mắc tâm thần phân liệt là 1.5/10000 người. Thể bệnh được đặc trưng bởi sai lệch trong suy nghĩ, nhận thức, cảm xúc, ngôn ngữ và hành vi. Hiện nay thuốc chống loạn thần là lựa chọn đầu tay cho điều trị bệnh. Cùng với đó, các can thiệp tâm lý xã hội dựa trên bằng chứng kết hợp với điều trị bằng thuốc sớm có thể giúp bệnh nhân cải thiện tình trạng và giảm nguy cơ tái phát.
Thuốc điều trị tâm thần phân liệt
Các thuốc chống loạn thần cổ điển có nhiều tác dụng không mong muốn nghiêm trọng, đặc biệt trên thần kinh trung ương dẫn đến tỷ lệ không tuân thủ điều trị cao
Các thuốc chống loạn thần thế hệ mới thường được ưu tiên hơn do ít gây các tác dụng phụ nghiêm trọng so với nhóm thuốc chống loạn thần cổ điển. Một số thuốc trong nhóm được bào chế dưới dạng tiêm bắp hoặc tiêm dưới da có tác dụng kéo dài như Aripiprazole (Abilify Maintena, Aristada), Fluphenazine decanoate, Haloperidol decanoate, Paliperidone (Invega Sustenna, Invega Trinza), Risperidone (Risperdal Consta, Perseris) là lựa chọn điều trị cho bệnh nhân tâm thần phân liệt tái phát do không tuân thủ điều trị. Ngoài ra, các thuốc tiêm tác dụng kéo dài được chứng minh có lợi ích vượt trội so với các thuốc dạng uống trong việc ngăn ngừa nhập viện hoặc tái phát
FDA phê duyệt thuốc chống loạn thần dạng tiêm 2 lần/năm cho bệnh tâm thần phân liệt
Ngày 2/9/2021, FDA chấp thuận dạng tiêm có tác dụng kéo dài (6 tháng sử dụng 1 lần) của thuốc chống loạn thần paliperidone palmitate (Invega Hafyera), cho điều trị tâm thần phân liệt ở người lớn.
Trước khi chuyển sang liệu trình 2 lần/năm, bệnh nhân cần được điều trị đầy đủ trong tối thiểu 4 tháng với dạng thuốc tiêm 1 lần/tháng (Invega Sustenna) hoặc tối thiểu 1 chu kỳ với dạng thuốc tiêm mỗi 3 tháng (Invega Trinza).
Quyết định phê duyệt dựa trên kết quả thử nghiệm lâm sàng ngẫu nhiên pha 3, mù đôi bao gồm 702 người trưởng thành từ 20 quốc gia với thời gian theo dõi 12 tháng.
- Hiệu lực của liệu trình 2 lần/năm không thua kém so với liệu trình 4 lần/năm trên kết cục thời gian cho tới lần tái phát đầu tiên triệu chứng. Kèm theo đó, tỉ lệ không tái phát sau 12 tháng của liệu trình 2 lần/năm là 92.5% so với 95% của liệu trình 4 lần/năm. Dữ liệu cho thấy thuốc kiểm soát tốt triệu chứng một cách dài hạn
- Trên nhóm “điều trị”, phản ứng bất lợi thường gặp bao gồm: nhiễm khuẩn đường tiết niệu trên, phản ứng tại chỗ tiêm, tăng cân (9%), đau đầu (7%) và bệnh parkinson (5%).
Hiện ở Việt Nam đã lưu hành chế phẩm paliperidone palmitate dạng tiêm mỗi 1 tháng và mỗi 3 tháng. Việc phê duyệt dạng tiêm có tác dụng kéo dài mỗi 6 tháng đem lại thêm lựa chọn điều trị cho bệnh nhân, giúp bệnh nhân giảm bớt tần suất dùng thuốc và tăng tuân thủ điều trị; đặc biệt có ý nghĩa trong giai đoạn giãn cách xã hội khi giảm được số lần đến cơ sở y tế để tiêm thuốc.