Tác giả: Nguyễn Lê Ngọc Anh, Huỳnh Trần Phương UyênvàDS. Nguyễn Công Thành
Cập nhật lần cuối lúc 22:49, 12/11/2021. Phản hồi về nội dung, liên hệ với chúng tôi tại đây
Elizabeth Holmes sinh ra trong một gia đình khá giả tại Washington DC. Mẹ cô là nhân viên ủy ban Quốc hội. Bố làm việc cho Enron trước khi chuyển sang các cơ quan chính phủ như USAID. Những năm thời trung học, để thực hiện mong muốn trở thành tỷ phú, Elizabeth Holmes đã cố gắng phát triển bản thân và thường xuyên thức khuya để học. Cô nhanh chóng trở thành sinh viên hạng A và thậm chí còn bắt đầu kinh doanh riêng. Elizabeth Holmes lớn lên cùng với những câu chuyện vĩ đại về kinh doanh, điều ấy đã hình thành nên tính cách một Holmes đầy sự tự tin. Cô ấy theo học ngành kỹ thuật hóa tại đại học Stanford. Khi còn là sinh viên năm nhất, cô được nhận học bổng “học giả của tổng thống”, một vinh dự đi kèm với khoản trợ cấp 3.000 đô la để thực hiện dự án nghiên cứu của mình.
Đế chế THERANOS
Năm 2003, Elizabeth Holmes lúc ấy mới 19 tuổi đã thành lập công ty Real-Time Cures ở Palo Alto, California sau đó đổi tên công ty thành Theranos (kết hợp từ “therapy” và “diagnosis”). Cô quyết định bỏ học để có thể dành toàn bộ thời gian cho doanh nghiệp của mình và kể từ đó chương sách đầu tiên cho đế chế Theranos bắt đầu.
Theranos của những ngày đầu ở thung lũng Silicon với số vốn chỉ từ khoản tiền học phí và phần lương hưu của bố mẹ. Để tạo nguồn tài chính cho công ty Elizabeth đã bắt đầu tìm kiếm các nhà đầu tư bằng cách tận dụng triệt để vào các mối quan hệ quen biết của gia đình: Tim Draper – cha của một người bạn thời thơ ấu và là người sáng lập công ty VC nổi tiếng Draper Fisher Jurvetson đã đầu tư 1 triệu đô la. Ngoài ra, Theranos cũng đã quyên góp được hơn 700 triệu đô từ các nhà đầu tư mạo hiểm và các nhà đầu tư khác. Trong hồ sơ dùng để thuyết phục các nhà đầu tư chỉ vỏn vẹn 26 trang, cô miêu tả về một miếng dán có thể lấy máu không đau qua da bằng vi kim gọi là TheraPatch. TheraPatch chứa một hệ thống vi cảm biến có thể phân tích máu và “ra quyết định kiểm soát quá trình” về lượng thuốc cần phải đưa vào cơ thể bệnh nhân. Nó cũng truyền kết quả qua mạng không dây tới bác sĩ phụ trách. Tuy nhiên, sau đó Theranos dã loại bỏ miếng dán và chuyển hướng sang nghiên cứu một thiết bị cầm tay giống các thiết bị dùng để theo dõi lượng glucose huyết ở các bệnh nhân đái tháo đường.
Sản phẩm này gồm có hộp chứa và đầu đọc. Bệnh nhân sẽ chích đầu ngón tay lấy một lượng máu nhỏ cho vào hộp. Các ống bơm trong đầu đọc sẽ đẩy máu chảy những ống nhỏ có chứa kháng thể. Trên đường tới các ống đó, một đầu lọc sẽ tách các thành phần chính trong máu và chỉ cho phép huyết tương đi qua. Khi huyết tương tiếp xúc với kháng thể, một phản ứng hóa học sẽ xảy ra và tạo ra một tín hiệu để đầu đọc có thể “đọc” và diễn dịch lại thành kết quả. Kết quả được truyền đến máy tính của bác sĩ điều trị thông qua máy chủ trung tâm. Từ đó, giúp bác sĩ điều chỉnh liều lượng thuốc cho bệnh nhân và bệnh nhân cũng không cần đến các trung tâm xét nghiệm. Trong các buổi diễn thuyết tại TED, Elizabeth Holmes đã thần thánh hóa sản phẩm của Theranos và xem nó như là ánh sáng trong cuộc cách mạng đổi mới nền y khoa. Cô nói với các khán giả rằng “Công ty đã phát triển các xét nghiệm máu có thể giúp phát hiện hàng chục bệnh lý từ cholesterol cao đến ung thư, dựa trên một hoặc hai giọt máu trích từ ngón tay”. Vào tháng 9 năm 2013, Theranos hợp tác cung cấp dịch vụ cho một số bệnh viện và phòng khám tại Cleveland kết hợp với việc mở trung tâm tại 41 hiệu thuốc của Walgreens cùng với đó là kế hoạch mở thêm hàng nghìn trung tâm khác.
Theranos ở thời điểm nổi lên những năm 2013 và 2014 đã được định giá lên đến 10 tỷ đô la; điều này giúp Elizabeth Holmes người sở hữu 50% cổ phần trở thành nữ tỷ phú tự thân trẻ nhất trong danh sách Forbes 400.
Tháng 7 năm 2015, FDA chấp thuận Theranos sử dụng các lọ lấy máu nhỏ độc quyền của mình để xét nghiệm máu mao mạch ngón tay tìm virus herpes simplex 1 – chấp thuận đầu tiên và duy nhất của họ cho xét nghiệm chẩn đoán. Nhưng sau đó, công ty này đã rơi vào hàng loạt các cáo buộc dẫn tới sự chấm hết cho một đế chế Theranos
Scandals và các cáo buộc
- Tháng 10 năm 2015: Theranos trở thành đối tượng của một cuộc điều tra của Wall Street Journal nghi ngờ tính chính xác của các xét nghiệm.
- Tháng 1 năm 2016: Trung tâm Dịch vụ Medicare và Medicaid (CMS) chỉ ra vấn đề với phòng thí nghiệm của Theranos ở California; Walgreens rút lui.
- Tháng 3/2016: CMS đe dọa cấm Holmes, Balwani kinh doanh phòng thí nghiệm. Vì công ty bị cáo buộc không khắc phục được các vấn đề tại phòng thí nghiệm ở California.
- Tháng 7 năm 2016: CMS thu hồi giấy phép vận hành phòng thí nghiệm ở California của Theranos và cấm Holmes điều hành phòng thí nghiệm xét nghiệm máu trong hai năm.
- Tháng 1 năm 2018: Lần đầu tiên Holmes đáp trả lại tạp chí Wall Street, công bố công trình viết về máy miniLab trên tạp chí khoa học: “Bioengineering and Translational Medicine”. Rất nhiều sai sót được tìm thấy, đặc biệt là: mẫu máu được lấy từ ven thay vì là chích từ đầu ngón tay như đã quảng cáo và sai lệch của máy vượt quá giới hạn cho phép so với máy được FDA chấp thuận.
- Ngày 14 tháng 3 năm 2018, Ủy ban chứng khoán và sàn giao dịch (SEC) tuyên phạt Theranos, Holmes và Sunny tội danh “lừa đảo tinh vi và kéo dài nhiều năm liền.”
- Ngày 15 tháng 6 năm 2018, Holmes và Balwani bị truy tố về nhiều tội danh lừa đảo qua điện thoại và âm mưu thực hiện hành vi gian lận điện tử.
- Ngày 4 tháng 9 năm 2018, công ty Theranos tuyên bố giải thể.
- Phiên tòa hình sự ban đầu dự kiến bắt đầu vào tháng 7 năm 2020 nhưng bị hoãn vì dịch Covid và tiếp tục trì hoãn vì Holmes mang thai.
- Tháng 8 năm 2021, phiên tòa hình sự được mở lại, theo như các cáo buộc ban đầu Holmes sẽ phải ngồi tù 20 năm, cộng với 2,75 triệu USD tiền phạt, cũng như khoản tiền bồi thường phải trả cho nạn nhân nếu các tội danh được thành lập.
Từ một công ty có tiềm năng phát triển lớn và được nhiều nhà đầu tư chú ý, Theranos dần rơi vào vũng lầy. Vì quá nóng vội để hiện thực hóa ý tưởng, giấc mơ của mình mà Holmes đã không chú trọng đến chất lượng của sản phẩm. Với tài ăn nói khéo léo, bà chủ của Theranos đã thôi niên các nhà đầu tư nhằm tăng thu hút nguồn vốn vào công ty của mình bằng cách thổi phồng một thiết bị đang còn trong giai đoạn nghiên cứu trở thành một “bảo bối thần kì” lúc bấy giờ. Điều này là một sai lầm vô cùng tệ hại đặc biệt khi sản phẩm đó lại là trang thiết bị y tế – một sản phẩm ảnh hưởng trực tiếp tới sức khoẻ của người dùng. Có thể nói đó là một việc làm xem thường người tiêu dùng. Vì tiền tài, danh vọng mà bất chấp tất cả. Sự kiện bê bối này cũng là cảnh báo để FDA siết chặt hơn những quy định trước khi phê duyệt chấp thuận một sản phẩm. Sự sụp đổ của Theranos cũng chính là hồi chuông cảnh tỉnh cho các nhà khởi nghiệp: muốn công ty phát triển nhanh thì ý tưởng độc đáo, sáng tạo là chưa đủ mà chất lượng của sản phẩm mới là chìa khóa quyết định vận mệnh công ty.