Các bước cơ bản kiểm tra đơn thuốc của bệnh nhân

Hồ sơ thuốc hay đơn thuốc của các BN nhiều bệnh kèm thường dễ gây choáng. Và cảm giác không biết bắt đầu từ đâu là cảm giác hoàn toàn bình thường. Chỉ khi nào bạn nhìn toa nhiều thuốc của một bệnh nhân mới tinh tươm mà bạn cảm thấy thư giãn toàn tập, lúc đó mới là nguy hiểm.

Tác giả:

Cập nhật lần cuối lúc 16:56, 02/08/2021. Phản hồi về nội dung, liên hệ với chúng tôi tại đây

Đừng vội vàng kiếm kính lúp soi từng thuốc với hy vọng tìm ra vấn đề sử dụng thuốc. Hãy hít sâu thở ra lấy bình tĩnh và bắt đầu các bước sau:

Bước 1: BẠN BIẾT GÌ VỀ BỆNH NHÂN hay là THÔNG TIN CƠ BẢN VỀ BỆNH NHÂN LÀ GÌ?

  • Tuổi, giới tính?
  • Dị ứng?
  • Tiền sử/bệnh kèm & mức độ kiểm soát bệnh? PN trong tuổi sinh đẻ: có bầu hay đang cho bú?
  • Thuốc, thảo dược, thực phẩm chức năng mà BN dùng trong 6 tháng vừa qua?
  • Lối sống: hút thuốc hay không, chế độ dinh dưỡng, thể dục, rượu bia, café trà?
  • Các lưu ý khác như những biến cố, những thay đổi gần đây?

Bước 2: DẤU HIỆU, TRIỆU CHỨNG hay MỐI LO CỦA BỆNH NHÂN LÀ GÌ? VÀ CÓ LIÊN QUAN ĐẾN BỆNH hay LỐI SỐNG KHÔNG?

Bước 3: VẤN ĐỀ VỀ THUỐC CÓ THỂ LÀ GÌ?

Nãy giờ mất thời gian chỉ để nhảy tới bước này. Sau khi loại trừ được các nguyên nhân do bệnh hay lối sống, giờ đã đến nguyên nhân liên quan thuốc 🤪. Mà vẫn chưa được soi kính lúp vội nha. Nhìn 1 danh sách thuốc đã nản rồi, vậy làm sao cho bớt nản. E hèm, xưa có vị nào đó hô lên: “Chia để trị” nè. Đúng thế, sau khi biết BN bị những bệnh kèm gì, chúng ta hãy:

GOM CÁC THUỐC lại theo bệnh hay theo chỉ định có thể có. Các thuốc tiểu đường vô 1 nhóm, các thuốc cho migraine vô 1 nhóm… Sau khi gom, ít ra chúng ta có cái nhìn toàn cảnh về thuốc BN đang dùng, từ đó bớt thấy hoang mang. Mà cũng chính lúc đó, chúng ta đột nhiên may mắn phát hiện các anh thuốc hay thảo dược hay thực phẩm chức năng lọt chọt không thuộc 1 chỉ định nào cả. Bingo!!! 

ƯU TIÊN XỬ LÝ 

BN tiểu đường mới dùng insulin có rối loạn mỡ máu, mất ngủ kèm theo, than phiền đang bị hoa mắt, đổ mồ hôi, trống ngực thì phải phát hiện và ưu tiên xử lý chuyện hạ đường huyết phải không nè? Rồi xem lại liệu loại insulin BN dùng đã là hợp lý nhất cho tuổi, lối sống, tình trạng cụ thể của BN không; liệu BN có biết điều chỉnh liều theo lượng đồ ăn chưa… Sau đó mới đến vấn đề rối loạn mỡ máu, mất ngủ.

Ngoài ra, trong 1 lần gặp không thể điều chỉnh tất cả mọi thứ trong hồ sơ thuốc của BN. Điều đó còn gây quá tải cho BN nữa. Nên cần XÁC ĐỊNH MỨC ĐỘ KHẨN THIẾT —> ƯU TIÊN XỬ LÝ.

CÁC VẤN ĐỀ VỀ THUỐC THƯỜNG GẶP:

Về cơ bản, mình chia các vấn đề về sử dụng thuốc ra các nhóm sau. Chú ý: vì một thuốc có nhiều chỉ định, cả off-label, nên cần hỏi BN trước về việc BS đã nói gì. 

Chỉ định (Indication):

⚡️⚡️BN có cần THUỐC MỚI/THÊM THUỐC để giải quyết các dấu hiệu, triệu chứng vừa xác định hay để kiểm soát bệnh lý hiện tại không? 

Vd: BN bị chàm không đáp ứng hoặc chỉ đáp ứng 1 phần sau 2 tuần dùng thuốc mỡ corticosteroid —> Báo BS điều trị, đề nghị thuốc mỡ tacrolimus 0.1% thoa ngày 2 lần đồng thời yêu cầu BN đi gặp BS ngay để đánh giá lại.

Vd: BN có dấu hiệu của tình trạng bàng quang kích thích nhưng cứ nghĩ là “già rồi nên thế”

⚡️⚡️BN có đang dùng DƯ THUỐC không? Với người lớn tuổi, tình trạng này hay xảy ra. Mình thường được dạy về khởi phát điều trị nhưng việc dừng thuốc nào đó thì ít được dạy hơn. Việc dừng các thuốc không hợp lý, hại nhiều hơn lợi cho người lớn tuổi cho thấy đúng tinh thần “trị người bệnh chứ không trị chứng bệnh” (treat the patient, not the disease).

Hiệu quả (Efficacy):

⚡️⚡️Thuốc BN đang dùng có là lựa chọn điều trị PHÙ HỢP NHẤT?

Vd: BN vừa bị đau thần kinh ngoại biên, vừa bị viêm khớp (OA) đầu gối thì có thể cân nhắc thử duloxetine.

⚡️⚡️Liều có thấp quá không?

Vd: BN tiểu đường không kiểm soát nhưng metformin vẫn giữ liều 850mg ngày 2 lần (Giả định không có chống chỉ định gì với việc tăng liều metformin lên 1,000mg ngày 2 lần)

⚡️⚡️Có tương tác thuốc có khả năng làm giảm hiệu quả của 1 thuốc đang dùng không?

Vd: Tương tác giữa synthroid và ferrous fumarate khi BN uống chung 2 thứ thuốc cùng lúc khiến synthroid bị giảm hấp thu

An toàn (Safety):

⚡️⚡️Liệu dấu hiệu, triệu chứng BN đang có là tác dụng phụ thường gặp của thuốc nào đó?

Vd: amlodipine gây phù mắt cá chân trong vòng 1 tuần sau khi dùng thuốc.

Vd: Herceptin dùng trong K vú có thể gây độc tính trên cơ tim, không phụ thuộc liều. 

⚡️⚡️Có chống chỉ định không? Hay cân nhắc không nên dùng?

Vd: với điều trị sau nhồi máu cơ tim (post-MI), không khởi phát beta-blocker nếu nhịp tim dưới 50 nhịp/phút.

⚡️⚡️Liều có quá cao hay việc chỉnh liều có nhanh quá không?

Vd: BN bắt đầu điều trị post-MI với carvedilol 12.5mg ngày 2 lần và cảm thấy rất mệt

⚡️⚡️Có tương tác thuốc khiến tăng hoạt 1 thuốc đang dùng không?

Vd: tương tác clarithromycine – atorvastatin có thể tăng nồng độ atorvastatin dẫn đến nguy cơ đau cơ hay tệ hơn là hủy cơ ở 1 số BN nguy cơ cao.

Tuân trị (Compliance / Adherence)

⚡️⚡️BN có hiểu mục tiêu điều trị, vai trò của từng thuốc không?

Vd: thuốc giảm đau thì chỉ uống khi cần, còn thuốc huyết áp thì phải uống mỗi ngày.

⚡️⚡️Cách dùng thuốc có đúng như hướng dẫn, do vô ý hay do dạng bào chế / dụng cụ không phù hợp?

Vd: BN lớn tuổi không dùng Advair Diskus được vì không…có sức hít vô. Chuyển sang dạng MDI cùng spacer sẽ phù hợp hơn.

⚡️⚡️BN có cần trợ giúp gì không?

Vd: BN hay quên uống thuốc thì có thể chỉ BN đặt hẹn giờ trong điện thoại để nhắc được không?

Nội dung bài này đề cập các vấn đề cơ bản nhất và không bao gồm hướng dẫn cách xử lý.

Chia sẻ bài viết này